Nhập nhằng kinh phí vận hành
Trong năm 2022, ngay trước thềm vòng chung kết giải U17 quốc gia, đội U17 SHB Đà Nẵng bỏ giải vì… không có tiền tham dự. Đại diện của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho biết đây là đội U của CLB SHB Đà Nẵng nên họ không biết lý do vì sao lại bỏ giải. Trong khi đó, phía CLB thì cho biết tiền chi cho bóng đá trẻ là của địa phương. Theo thỏa thuận thì mỗi năm ngân sách Đà Nẵng chi 20 tỷ đồng cho bóng đá trẻ, còn SHB chi 60 tỷ đồng cho đội đang đá V-League, nhưng kể từ năm 2021, nguồn ngân sách địa phương dừng hẳn khiến SHB cắt giảm chi phí cho các tuyến U.
Theo tính toán, để một CLB có thể “nuôi” cả đội 1 lẫn tối thiểu 3 tuyến trẻ thì ngân sách không dưới 70 tỷ đồng mỗi năm. Và đây là số tiền rất lớn nếu không có sự hỗ trợ từ địa phương, nhiều thì 20 tỷ đồng, ít thì cũng 8-10 tỷ đồng. Vì là ngân sách chung, nên nếu đội 1 “xài” hết thì hết phần cho các tuyến trẻ. Để đối phó với các quy định hiện hành, một số CLB đã từng “mượn” các đội trẻ ở những địa phương không có đội chuyên nghiệp, ký hợp đồng ngắn hạn trong vài tháng để đăng ký tham gia các giải U do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức. Do mức phạt quá thấp (50 triệu đồng) nếu CLB không dự đủ 3 giải U nên về sau, CLB cũng chấp nhận nộp phạt chứ không mượn người đá giải.
Trong khi đó, ở những địa phương không có CLB đá ở hạng nhất và V-League thì các trung tâm bóng đá địa phương sẽ có ngân sách đủ để tuyển quân, đào tạo và dự các giải U quốc gia. Trường hợp đặc biệt như TPHCM, Liên đoàn Bóng đá thành phố có nguồn ngân sách riêng đầu tư cho Trung tâm đào tạo Lyon, chương trình bóng đá học đường, sân bãi riêng, tách bạch với chi phí vận hành của CLB TPHCM.
Sự nhập nhằng riêng - chung ở nhiều CLB hiện nay khiến cho bóng đá trẻ đã thiếu sân chơi, còn thiếu luôn cả nguồn đầu tư. Kết quả là một loạt trung tâm bóng đá trẻ nổi tiếng như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Nam Định… dần đánh mất nội lực.
Con dao 2 lưỡi
Cầu thủ Nguyễn Quang Hải nổi lên từ giải U17 quốc gia năm 2015, khi mới 15 tuổi. Hơn 17 tuổi, Hải đã lên thẳng đội 1 và 19 tuổi trở thành trụ cột tại CLB Hà Nội FC. Đó chính là lợi ích của việc đầu tư cho bóng đá trẻ, nhưng không phải đội nào cũng đủ năng lực thực hiện như Hà Nội FC. Đội bóng này không trực tiếp đào tạo, họ đặt hàng qua Trung tâm của bóng đá Hà Nội hay lò tư nhân VST ở Nghệ An, nhưng bảo đảm được “đầu ra” khi tham gia đủ các giải U. Ngoài đội V-League, họ vẫn tổ chức thêm một đội hạng nhất để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ.
Ở Việt Nam có một nghịch lý: Cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp có thể sẽ tham gia thi đấu ở Hội khỏe Phù Đổng, hoặc các giải sinh viên, khiến điều lệ của các sự kiện mang tính phong trào này phải đưa vào điều khoản chế tài. Lẽ ra, các sân chơi phong trào đó phải là nguồn cung nhằm sàng lọc cầu thủ cho chuyên nghiệp mới đúng. Đây là hệ quả của việc quá thiếu sân chơi cho lứa trẻ.
Chúng ta không thiếu cơ sở đào tạo, như trường hợp Thái Bình đang có hơn 12 cầu thủ đá ở nhiều CLB V-League dù nơi đây không có CLB chuyên nghiệp. Nhưng 64 tỉnh thành có 64 trung tâm đào tạo bóng đá mà lại không có số lượng CLB hoặc số sân chơi, giải đấu tương ứng thì có đào tạo ra cũng không để làm gì. Vào trung tâm năm 13 tuổi, ra trường năm 18 tuổi, cũng chỉ là học lý thuyết nhưng sau đó không được thi đấu thì cũng chẳng thể phát lộ tài năng. Như đã nói ở trên, ngay cả việc đi “mượn” đội trẻ về đá giải U mà các CLB còn bỏ qua, sẵn sàng chịu phạt, thì làm sao cầu thủ trẻ có cơ hội.
Với các CLB chuyên nghiệp, nếu làm bóng đá trẻ và các đội U theo hình thức đối phó thì kết quả nhận lại, chỉ là sự tốn kém vì không có cầu thủ trẻ tại chỗ để dùng. Hợp đồng đào tạo trẻ ở Việt Nam kéo dài đến năm 23 tuổi, nghĩa là nếu các CLB mà làm giỏi tuyến U, họ sẽ sử dụng tài năng trong ít nhất 5 năm (trong trường hợp của Quang Hải là đến 6 năm) chỉ phải trả lương trước khi cầu thủ tự do ra đi.
Bình luận viên QUANG HUY
Yếu tố nền tảng đóng vai trò quan trọng
Khác với những lo ngại ban đầu, các cầu thủ U23 Việt Nam vừa có giải đấu rất thành công. Danh hiệu vô địch giải U23 Đông Nam Á năm 2023 sẽ là một cú chạy đà, cú hích quan trọng cho các em tự tin hơn khi tham dự những giải quốc tế trong thời gian tới. Điều mà tôi cũng như đông đảo người hâm mộ cảm nhận được là cách vận hành chiến thuật linh hoạt của các em. Các em đã chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công rất nhanh với đường nét bài bản gây nhiều khó khăn cho đối phương.
Những chuẩn bị của VFF và HLV Troussier cho giai đoạn tới là rất kịp thời và kế hoạch chỉn chu khi thành lập song song hai đội hình U23 Việt Nam, để tất cả cầu thủ đều có cơ hội trui rèn tích lũy kinh nghiệm trận mạc. HLV Troussier cũng đang có sự hợp tác tích cực từ phía các CLB khi họ đã có sự thay đổi đáng kể từ sau SEA Games 32 mà nhiều cầu thủ trẻ đã được ra sân nhiều hơn. Nền tảng từ công tác đào tạo và kinh nghiệm thực chiến là rất quan trọng.
Dĩ nhiên là mọi thứ cũng chỉ mới bắt đầu, ông Troussier chỉ vừa cùng bóng đá Việt Nam tham dự SEA Games 32, sắp tới còn là vòng loại U23 châu Á 2024, Asiad 19, vòng loại World Cup 2026… Một hành trình dài và cần sự phát triển đồng bộ. Danh hiệu vô địch U23 Đông Nam Á vừa qua hẳn là mọi người đều vui, nhưng nên nhớ đây chỉ là U23, thậm chí là U20. Nên dù vui thì cũng đừng vui quá mà tiếp tục tập trung cho những đích ngắm tiếp theo, nhất là vun đắp cho đội tuyển quốc gia.
QUỐC CƯỜNG ghi
Cần có giám đốc đào tạo trẻ chuyên trách
Theo các chuyên gia chuyên đào tạo cầu thủ trẻ Việt Nam, chính vì hệ thống đào tạo trẻ hiện nay chưa có sự thống nhất, thiếu sự cộng hưởng với đội tuyển quốc gia, nên cần thiết phải có một “thủ lĩnh” thực sự về bóng đá trẻ, tốt nhất là một giám đốc phụ trách đào tạo trẻ chuyên trách do VFF quản lý. Nếu muốn công tác đào tạo trẻ đạt hiệu quả cao thực sự, VFF nên mời chuyên gia nước ngoài giữ vai trò này để xây dựng một kế hoạch tổng thể, đồng bộ từ các cấp độ CLB cho đến các đội tuyển trẻ.
Dưới góc độ phân tích của các chuyên gia, mỗi lứa cầu thủ trẻ đều mang một đặc thù riêng. Cho nên, khi công tác đào tạo cầu thủ trẻ chưa có được tính chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể kỳ vọng rằng mỗi năm sẽ cho “ra lò” được những lứa trẻ chất lượng cao. Về cơ bản, đào tạo cầu thủ trẻ hiện nay vẫn dựa nhiều vào sự… may mắn, mà thiếu đi tính căn cơ, dù ai cũng hiểu đào tạo cơ bản bắt đầu từ lứa 10-15 tuổi và phải tuân thủ chung một triết lý bóng đá mới có được các lứa cầu thủ đồng đều về trình độ, thể lực.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác đào tạo trẻ của Việt Nam chưa đạt được tính đồng đều, chưa có được mẫu số chung về kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, chính là vấn đề thiếu hụt kinh phí. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá thường sẽ không thích đầu tư đào tạo trẻ vì không có lợi nhuận. Không ít địa phương làm bóng đá có phần ỷ lại doanh nghiệp, không chăm chút cho công tác đào tạo trẻ. Đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa hình thành được hệ thống đào tạo xuyên suốt từ các trung tâm, học viện bóng đá, bóng đá học đường cho đến các CLB và cao nhất là đội tuyển.
P.MINH