Ông Bảy và quần vợt Việt

Nhân sự kiện giải quần vợt quốc tế Men Future 2012 tổ chức tại TPHCM từ 2 đến 22-4, được xem là giải đấu đem lại sức bật mới cho quần vợt TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhân dịp này, chúng tôi muốn cùng các bạn đồng hành ngược dòng thời gian để về với lịch sử môn quần vợt khi đặt chân vào đất Việt.

Nhân sự kiện giải quần vợt quốc tế Men Future 2012 tổ chức tại TPHCM từ 2 đến 22-4, được xem là giải đấu đem lại sức bật mới cho quần vợt TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhân dịp này, chúng tôi muốn cùng các bạn đồng hành ngược dòng thời gian để về với lịch sử môn quần vợt khi đặt chân vào đất Việt.

Theo lời kể của một số bậc cao niên thì quần vợt vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20. Sân bóng thời ấy chỉ có một, nằm trong khuôn viên Cerle Sportif Saigonnais, nay là Cung văn hóa Lao động TPHCM. Người chơi lúc đó chỉ toàn những ông Tây, bà đầm, còn dân Việt chỉ đứng ở ngoài hàng rào trông vào mà thôi.

Những người Việt đầu tiên chơi quần vợt là những viên chức làm việc cho Pháp, tầng lớp thượng lưu mới, nhưng cũng chỉ vui chơi là chính, không tạo nên thành tích đáng kể nào.

Phải đợi đến khi nhóm “Ba chàng ngự lâm” Chim, Giao, Nửa nhập cuộc, người Pháp mới thật sự ngả mũ cúi chào tài nghệ xuất chúng của bộ ba này. Họ hạ đo ván vô địch Pháp quốc, rồi vô địch châu Á, giành những chiến thắng vang dội trong các trận đấu vòng loại Olympic với Ấn Độ, Nhật Bản.

Tuy nhiên, phải đợi đến thời kỳ của “Trụ đồng” Võ Văn Bảy (sinh ngày 18-7-1931) xuất hiện thì quần vợt Việt Nam mới rạng danh. Cầm vợt mãi tận năm 21 tuổi, nhưng tài nghệ Võ Văn Bảy thăng tiến vùn vụt. Ông được giới hâm mộ đặt biệt hiệu “Lưỡng quốc Trạng nguyên” khi đoạt chức vô địch Malaysia và Việt Nam, rồi đánh bại nhà vô địch Indonesia 3-0, với những tỷ số không ngờ 6/0, 6/1, 6/1 chỉ trong vòng chưa đầy 60 phút.

SEA Games đầu tiên 1959, ông đoạt huy chương bạc, nhưng 2 năm sau bước lên bục vô địch khi đánh bại vô địch Thái Lan Seri Charuchinda trong trận chung kết. Ông đứng cặp đôi với người em Võ Văn Thành đoạt HCV các kỳ SEA Games 1959, 1961, 1969, với Lưu Hoàng Đức HCV năm 1965, 1967, Ly Aline 1971, 1973 và vô địch đồng đội nam 1967, 1969, 1971.

Tuy nhiên, dấu ấn để đời của danh vợt Võ Văn Bảy là trận thắng đương kim vô địch Nhật Bản và châu Á Saikai vào ngày 6-4-1972. Khi đó, ông Bảy đã 41 tuổi, còn Sakai 25 tuổi. Ai cũng nghĩ ông Bảy sẽ hụt hơi khi đọ sức với tay vợt trẻ, nhưng ngược lại chính Sakai chống vợt thở dốc trước những đường banh chính xác tuyệt đối và những cú đánh dài cuối sân buộc đối phương chạy liên tục. Lần đó, Võ Văn Bảy thắng 3-1.

Võ Văn Bảy còn cho vô địch Ấn Độ Viay Amritrija phơi áo 3-1 vào năm 1971, người mà 13 năm sau đã hạ tay vợt số 1 thế giới John Mc Enroe (Mỹ).

Cho đến ngày nay, chưa một tay vợt Việt Nam nào sánh ngang với ông Bảy về tài nghệ cũng như thành tích trên đấu trường này. 

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục