Các CLB Việt Nam đang thụt lùi ở sân chơi châu lục

Trong khi các đội tuyển quốc gia đua nhau gặt hái thành công khi giành quyền góp mặt ở các vòng chung kết châu lục thì ở cấp độ CLB, bóng đá Việt Nam lại đang cho thấy sự thụt lùi.

Đội Thanh Hóa đang gây thất vọng cả ở V-League lẫn AFC Cup
Đội Thanh Hóa đang gây thất vọng cả ở V-League lẫn AFC Cup

Năm 2004, AFC cho Việt Nam 2 suất dự AFC Champions League. Nhưng sau những thất bại liên tục, đến năm 2015, chúng ta chỉ còn được nhận 1,5 suất tham dự sân chơi số 1 này từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Và hiện tại chỉ còn có 0,5 suất (Thanh Hóa vừa rồi phải tham dự từ vòng play-off và bị loại sau khi thua đậm Suwon Samsung Bluewings của Hàn Quốc với tỷ số 1-5).

Từ sân chơi hạng Nhất AFC Champions League, các CLB Việt Nam giờ đây đã quen với việc thi đấu ở sân chơi hạng hai AFC Cup nhưng cũng chẳng mấy mặn mà. Cách đây chục năm, bóng đá Việt Nam thường xuyên có đội lọt vào vòng 1/8, tứ kết của AFC Cup. Thậm chí Bình Dương ở thời hoàng kim còn vào đến bán kết của AFC Cup 2009 và chỉ chịu dừng chân trước CLB Al-Karamah của Syria (thua chung cuộc 2-4).

Nhưng 4 năm gần đây, bóng đá Việt Nam không còn đại diện nào vượt qua vòng bảng AFC Cup. Năm nay đến lượt Thanh Hóa và SLNA sớm dừng cuộc chơi ở giải đấu hạng 2 này.

SLNA cũng không thể vượt lên chính mình ở AFC Cup 2018
Việc các CLB của Việt Nam bị loại sớm ở AFC Cup năm nay quả là một nỗi hổ thẹn với bóng đá Đông Nam Á. Bởi trong khu vực, không kể Thái Lan đã vươn ra tầm châu lục (CLB Buriram United  đã vượt qua các đại diện hùng mạnh của Nhật Bản và Hàn Quốc để có mặt ở vòng 1/8 AFC Champions League năm nay) thì các quốc gia khác đều có đại diện vượt qua vòng bảng AFC Cup. Singapore có Home United, Indonesia có Persija Jakarta, Myanmar có Yangon United còn Philippines có Ceres-Negros.

Nguyên nhân đầu tiên và cũng lớn nhất là do tâm lý của các đội bóng Việt Nam luôn e ngại khi bước ra sân chơi châu lục, vốn hao tiền tốn của (nhất là với những đội bóng không thuộc hàng đại gia). Vì vậy các đội bóng đều chỉ tham gia “cho đủ nghĩa vụ” để dồn sức cho mặt trận chính là V-League.

Bên cạnh đó, lịch thi đấu của V-League được sắp xếp gần như kín khiến các đội bóng khó lòng duy trì được thể lực. Việc phải căng sức liên tục cho cả 2 mặt trận, khiến các CLB buộc phải xoay tua, buộc phải có 2 đội hình với sức mạnh tương đương cho 2 đấu trường. Mà đòi hỏi ấy thì nằm ngoài khả năng của nhiều CLB ở V-League hiện nay.

Tuy nhiên, nguyên nhân này nếu áp vào SLNA thì hợp lý hơn so với Thanh Hóa, đội vốn được đầu tư lực lượng và cũng có nguồn tài chánh thuộc loại tốt. Thế nhưng, đội bóng xứ Thanh tiếp tục gây thất vọng. 

Tin cùng chuyên mục