Khép lại một năm 2010 bằng thất bại ở AFF Cup, Liên đoàn Bóng đá nước ta đã có cuộc họp với HLV Calisto để tìm hiểu nguyên nhân thất bại của bóng đá Việt Nam, đồng thời cũng đã lên phương án cho hành trình năm nay với 3 cuộc “chạm trán” lớn: SEA Games 26, Olympic London 2012 và vòng loại World Cup 2014. Trong cuộc “mổ xẻ” trên, nguyên nhân dẫn đến thất bại đã được chỉ ra qua nhiều yếu tố về chuyên môn, tổ chức, yếu tố khách quan lẫn chủ quan… Tuy vậy, có một yếu tố trước nay luôn khiến đội tuyển nước ta phải chuốc lấy những thất bại tức tưởi mà chưa thể hóa giải, đó chính là yếu tố tâm lý.
Cũng như nhiều môn thể thao khác, trong bóng đá, tâm lý khi thi đấu đóng vai trò không nhỏ đến kết quả thắng - bại. Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều cú thua lãng xẹt, thua không đáng thua của đội tuyển nước ta. Bao nhiêu công sức chuẩn bị và luyện tập, chỉ trong tích tắc đổ hết xuống sông xuống biển, chỉ vì các cầu thủ không làm chủ được trạng thái tâm lý.
Nếu trạng thái tâm lý thăng bằng sẽ tạo ra xúc cảm dương tính, mọi động tác sẽ trở nên dễ dàng, mềm dẻo, chính xác. Ngược lại, nếu trạng thái tâm lý mất cân bằng sẽ tạo ra xúc cảm âm tính, tác động lên hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ cơ bắp, làm cho mọi động tác trở nên căng cứng, vụng về, dẫn đến mất bình tĩnh, rối loạn.
Ví dụ thì không ít, nhưng để thấy rõ chúng ta có thể trở lại 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup vừa rồi. Trong trận gặp Myanmar, sau khi bị gỡ hòa 1-1, cầu thủ có dấu hiệu xúc cảm âm tính. Nhưng rất may, khi Minh Phương đưa đội nhà vượt lên dẫn trước 2-1 bằng pha đá phạt đẹp mắt, tạo ra sự phấn khích thì lập tức xuất hiện hiện tượng lây lan tâm lý đột biến, những sợi dây chằng được gỡ bỏ, cầu thủ bỗng thấy nhẹ nhàng, thoải mái, tự tin, nhanh nhẹn và chính xác. Tỷ số 7-1, trong đó có 3 đến 4 quả nhờ yếu tố tâm lý.
Còn trận gặp Philippines, ban đầu tâm lý đội tuyển khá tốt, tuy có chút e dè vì đội bạn có nhiều cầu thủ ngoại mới nhập tịch và 1 thủ môn rất giỏi đang thi đấu ở châu Âu. Chúng ta đã chủ động tấn công, làm chủ trận đấu. Nhưng khi không thể khoan thủng hàng phòng ngự đổ bê tông nhiều tầng, kiên cố thì cầu thủ chúng ta mất kiên nhẫn, bắt đầu dẫn đến dấu hiệu của xúc cảm âm tính, đặc biệt sau bàn thua ở phút 38 do sự mất tập trung của thủ môn Hồng Sơn.
Cũng với những con người ấy, trong trận đấu với Myanmar họ chính xác, điệu nghệ bao nhiêu thì trong trận gặp Phillipines họ vụng về, căng thẳng, thiếu chính xác bấy nhiêu do nôn nóng, mất bình tĩnh. Đó là điều mà các chuyên gia tâm lý của đội tuyển Philippines mong muốn khi đối đầu với tuyển Việt Nam…
Nhìn lại quá trình vừa qua, có thể thấy bóng đá nước ta đã có những tiến bộ rõ rệt, đã bắt kịp trình độ bóng đá các nước trong khu vực. Nhưng để có thể chinh phục được những mục tiêu lớn hơn thì một thành tố không thể thiếu là phải làm sao xây dựng được nơi đội tuyển một trạng thái tâm lý thi đấu vững vàng, tự tin, hay nói cách khác là phải làm chủ trạng thái tâm lý thi đấu. Làm được điều này sẽ góp phần giúp đội tuyển nước ta tiến gần hơn đến những mục tiêu đề ra.
PHÚC ÂN