Sau khi bị VFF quy là “cố tình không hiểu các quy định tối thiểu về luật…”, VPF lập tức đáp trả. Đáng chú ý, VPF đã “tố” VFF lật kèo, chơi không đẹp…
|
Tranh chấp về bản quyền truyền hình, thiệt thòi đầu tiên là những người hâm mộ bóng đá. Ảnh: Phi Hải |
VFF thiếu Fair-play?
Trong công văn do Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng ký, VPF đã có hàng loạt phản biện đối với VFF. Theo VPF, ngày 4-1, VPF đã làm việc với thường trực VFF và kết luận, VPF chủ động gửi văn bản đến các bộ chức năng để xem xét tính pháp lý của hợp đồng giữa VFF và AVG; kết luận của bộ chức năng sẽ là cơ sở có pháp lý cho VFF và VPF cùng thực hiện. Tuy nhiên, trong khi chờ kết luận của các bộ, VPF lại nhận được công văn của VFF với nội dung trái ngược với những thỏa thuận trước đó với VPF. Cũng vì thế, trong khi chờ các bộ phân xử đúng sai, VPF đề nghị VFF: thứ nhất, VPF sẽ cho phép các nhà đài trung ương và địa phương được truyền phát sóng các trận đấu miễn phí; thứ hai, VFF sớm cung cấp cho VPF các văn bản chấp thuận hoặc phê chuẩn hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, các văn bản chấp thuận của các CLB bóng đá chuyên nghiệp và giấy phép hoạt động truyền hình của AVG.
Cũng theo VPF, mặc dù VPF đã nhiều lần liên hệ, yêu cầu VFF hoàn tất thủ tục bàn giao trước mùa giải 2012. Tuy nhiên, cho đến giờ, VFF chưa có bất kỳ động thái nào thông báo cho VPF về việc bàn giao công tác tổ chức, quản lý điều hành các giải đấu cho VPF.
Riêng nhận định của VFF cho rằng, lãnh đạo VPF cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao, không tôn trọng VFF, đề nghị HĐQT VPF rút kinh nghiệm về các phát biểu cá nhân, VPF đáp trả: VPF cho rằng nhận định của BCH VFF là không căn cứ. Vì thời gian qua, VPF đã luôn lấy tôn chỉ tuân thủ luật pháp làm mục tiêu hoạt động, không vì bất cứ lợi ích cá nhân nào. Thứ hai, VPF luôn tôn trọng VFF vì VFF là cổ đông lớn nhất và cũng là cơ quan chủ quản chuyên môn của VFF. Trừ các quyết định về bản quyền truyền hình, VPF luôn tuân thủ đầy đủ các quyết định của VFF. Cuối cùng, VPF khẳng định, phát ngôn của lãnh đạo VPF là ý kiến của tập thể HĐQT VPF. Ngay cả ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT VPF cũng là người được VPF ủy quyền làm đại diện VPF tìm đối tác, đàm phán thỏa thuận nguyên tắc và giải quyết các vấn đề liên quan bản quyền truyền hình. VPF cũng đề nghị VFF tập trung “việc hợp tác tổ chức quản lý, điều hành các giải đấu chuyên nghiệp”, đặc biệt là khi còn chờ kết luận chính thức của các bộ về tính hợp pháp của hợp đồng giữa VFF và AVG.
VTC lờ bản quyền của AVG
Không chỉ VPF, “liên danh” VFF - AVG hôm qua còn nhận đòn phản công của VTC. Trong công văn do Phó Giám đốc VTC Vũ Quang Huy ký vào hôm qua, VTC khẳng định: “Việc VTC tổ chức tường thuật trực tiếp các trận đấu trong khuôn khổ Super League 2012 là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và đã được đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF cho phép... Vì vậy, VTC chỉ dừng việc phát sóng trực tiếp các trận đấu trong khuôn khổ Super League 2012 nếu VPF chính thức có văn bản yêu cầu VTC dừng phát sóng”.
Mặc dù AVG đã có công văn “tố” VTC vi phạm bản quyền truyền hình hợp pháp mà AVG đang sở hữu khi truyền hình trực tiếp trận Ninh Bình - Đồng Tháp. Tuy nhiên, VTC cho hay, họ không liên quan gì đến việc tranh chấp bản quyền giữa VPF và AVG. Vì vậy, đề nghị AVG liên hệ trực tiếp với đơn vị tổ chức về các vấn đề liên quan đến nội dung nêu trên. Ngoài ra, VTC cũng thông báo cho AVG, VTC tiếp tục trực tiếp các trận đấu của giải Ngoại hạng. Cụ thể, sau khi thống nhất với VTV, VTC dự kiến sẽ phát sóng trực tiếp trận V.Hải Phòng - Navibank Sài Gòn ở vòng đấu kế tiếp của giải Ngoại hạng.
Yến Nhi
|
>> VFF chưa công nhận quyền của VPF - Rối chuyện tề gia của VPF
>> Xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình - Cãi nhau… tưng bừng