Cuộc chiến pháp lý xung quanh hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF, VPF và AVG ngày càng nóng bỏng. Chỉ riêng hôm qua, “song tấu” VFF - AVG và VPF đã có cơn mưa công văn, trong đó bên tố sai luật, bên khẳng định hợp luật.
VPF: Vạch áo cho người xem lưng
Trong công văn gửi Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT-DL và Bộ TT-TT, VPF khẳng định, họ mong muốn thực hiện nghiêm chỉ đạo của VFF. Tuy nhiên, có một số điểm, cụ thể là hợp đồng bán bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG là bất hợp pháp nên VPF buộc phải… vạch áo cho người xem lưng.
![]() |
Bản quyền truyền hình - “cuộc chiến” sẽ còn dai dẳng. Ảnh: Minh Trần |
Theo luận điểm của VPF, hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành ở các điểm:
1. Căn cứ luật TDTT và nghị định của Chính phủ quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng khi ký hợp đồng với AVG, VFF chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện cho CLB đàm phán, ký hợp đồng với AVG;
2. Căn cứ luật báo chí, thời điểm ký hợp đồng ngày 8-12-2010 với VFF, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật.
Với 2 lý lẽ trên, VPF khẳng định: “… Để tạo điều kiện được hiểu và thực thi đúng quy định pháp luật, VPF kiến nghị quý Bộ xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình nói trên của VFF và AVG”.
Đáp lại công văn của VPF, chiều qua, VFF lập tức có văn bản phúc đáp để nói lại cho rõ những hiểu sai của VPF. Trong đó, ngoài việc viện dẫn các điều luật khẳng định sở hữu của mình trong vấn đề bản quyền truyền hình, VFF khẳng định: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và điều lệ VFF cũng như không tôn trọng VFF.
Thường trực BCH VFF đề nghị HĐQT VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của lãnh đạo VPF trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với VFF trong thời gian qua”. Đồng thời, VFF yêu cầu VPF trong khi chờ nhận ủy quyền đầy đủ của VFF, VPF phải tuân thủ theo chỉ đạo thống nhất của VFF.
AVG kêu gọi VFF quyết liệt, nhờ Bộ VH-TT-DL phán xét
Trong khi VFF đang nỗ lực “dạy dỗ” VPF, AVG - đối tác của VFF - cũng phát đi thông cáo, trong đó, AVG kêu gọi VFF phải quyết liệt hơn đối với VPF. Thông cáo phát đi tối qua của AVG dẫn lời ông Hoàng Xuân Bắc, Phó Giám đốc AVG, viết: “Văn bản của VFF đã thể hiện rõ sự hiểu biết, thái độ tôn trọng pháp luật cũng như tôn trọng hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG. Tuy vậy VFF cần có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để công chúng có thể hiểu rõ bản chất sự việc, tránh bị những kẻ lợi dụng bóp méo sự thật và định hướng sai dư luận”.
Cũng theo AVG, đơn vị này đã có văn bản số 02/TTAV-AV gửi Bộ VH-TT-DL, trong đó, AVG chủ động đề nghị Bộ kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng của VFF và AVG. AVG đề nghị, sau khi kiểm tra và làm rõ, Bộ VH-TT-DL sẽ có thông tin khách quan, chính xác cung cấp cho công luận.
Theo AVG, cũng trong văn bản gửi Bộ VH-TT-DL, AVG còn cam kết sẵn sàng bỏ chi phí cần thiết thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc xây dựng và đề xuất các giải pháp cho Bộ VH-TT-DL, VFF trong việc nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam.
Yến Nhi
Các tin, bài viết khác
-
Trái bóng tròn lăn khắp thành phố
-
Xuất ngoại và rủi ro
-
Thái Lan mời tuyển Việt Nam đấu cúp tứ hùng
-
V-League 2022 trở lại: Bắt đầu từ ‘chảo lửa’ Thiên Trường
-
Vòng 4 giải hạng Nhất - LS 2022: BR-VT và Khánh Hoà thẳng tiến
-
SPL - S4: Giải phủi sân 7 quay trở lại rộn rã ở miền đất… sân 5 - nghịch lý lại rất hợp lý
-
Becamex Bình Dương trước hai chuyến làm khách tại những ‘chảo lửa’
-
Dàn tuyển thủ Việt Nam đi ‘xem giò’ sới phủi Sài thành
-
Viettel FC ngược dòng thắng trận ra quân AFC Cup
-
Đấu bù V-League 2022, Nam Định - Hà Nội: Áp lực cho đôi bên