Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có thể tóm lược như sau: Đầu tiên là tạo nguồn cầu thủ thông qua việc hoàn thiện lại hệ thống tuyển chọn từ phong trào và đặc biệt ở môi trường học đường để cung cấp nhân lực cho các CLB chuyên nghiệp và qua đó, hình thành các đội tuyển quốc gia mạnh để hướng đến việc lọt vào top 10 châu Á.
Nói cách khác, nội dung của chiến lược không có gì mới, đây chỉ là những vấn đề cơ bản của một nền bóng đá. Tuy nhiên, khi Chính phủ phê duyệt chiến lược thì cũng đồng nghĩa đã chỉ ra rằng bóng đá Việt Nam đang phát triển thiếu bền vững và Chính phủ không thể ngồi yên khi cả nền bóng đá đang vận hành chẳng theo định hướng nào cả.
Vậy nên, câu hỏi đặt ra: Ai sẽ chủ trì việc thực hiện chiến lược nói trên?
Về nguyên tắc, nơi thực hiện là Tổng cục TDTT, đơn vị quản lý về mặt nhà nước. Tuy nhiên, ai cũng biết, để tiến hành những công việc cụ thể thì đó phải là VFF, tổ chức xã hội nghề nghiệp thay mặt tổng cục để điều hành nền bóng đá. Vấn đề là suốt hơn một thập kỷ qua, VFF không đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ lẫn chính cơ quan quản lý mình. Thế nên thời gian gần đây, dù không rõ ràng nhưng có xu thế tổng cục đang muốn kiểm soát lại VFF, nhất là sau thời gian Công ty VPF ra đời phần nào triệt tiêu quyền lực của VFF.
Chúng tôi tin, đây là điều “cực chẳng đã” đối với tổng cục bởi chính cơ quan này cũng bận “trăm công nghìn việc” với mấy chục môn thể thao khác, vẫn còn đang bao cấp trong khi bóng đá đã được “ra riêng” gần 20 năm qua. Nếu “bị” tổng cục kiểm soát, VFF phải tự trách mình.
Bởi kể từ khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp đến nay, toàn bộ hệ thống đào tạo của bóng đá Việt Nam đang sa sút nghiêm trọng. Trước đây, khi còn các sở TDTT thì khá nhiều trung tâm đào tạo địa phương hoạt động tốt, cầu thủ dôi dư, tài năng không thiếu. Cụ thể, từ năm 1995 đến 2003 đã hình thành đến 2 lứa “thế hệ vàng” ở đội tuyển quốc gia. Trong khi hiện nay, đội tuyển U22 Việt Nam (tức thế hệ kế tiếp) đa số đều không có chỗ đứng ở đội hình 1 các CLB chuyên nghiệp. Các trụ cột của đội tuyển quốc gia vẫn đang sử dụng nhân tố từ thời kỳ 2003, vốn đã bên kia sườn dốc sự nghiệp. Còn trên thực tế, các “lò” đào tạo Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Bình Định… gần như biến mất. Riêng với bóng đá học đường thì giậm chân tại chỗ nếu không nói là hầu như không tồn tại. VFF quản lý “đầu ra” là các đội tuyển nhưng họ lại chẳng chăm lo gì “đầu vào”, ngoài việc xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ để “nuôi gà chọi”.
Phải cải tổ VFF để có cơ sở thực hiện chiến lược, đây là ý kiến chung của nhiều chuyên gia bóng đá đồng thời cũng là chỉ đạo cấp bách của Tổng cục TDTT. Sốt ruột đến nỗi, ngay cả chuyện chọn HLV trưởng ĐTQG, tổng cục cũng phải can thiệp mạnh mẽ…
VIỆT QUANG
Các tin, bài viết khác
-
Trái bóng tròn lăn khắp thành phố
-
Xuất ngoại và rủi ro
-
Thái Lan mời tuyển Việt Nam đấu cúp tứ hùng
-
V-League 2022 trở lại: Bắt đầu từ ‘chảo lửa’ Thiên Trường
-
Vòng 4 giải hạng Nhất - LS 2022: BR-VT và Khánh Hoà thẳng tiến
-
SPL - S4: Giải phủi sân 7 quay trở lại rộn rã ở miền đất… sân 5 - nghịch lý lại rất hợp lý
-
Becamex Bình Dương trước hai chuyến làm khách tại những ‘chảo lửa’
-
Dàn tuyển thủ Việt Nam đi ‘xem giò’ sới phủi Sài thành
-
Viettel FC ngược dòng thắng trận ra quân AFC Cup
-
Đấu bù V-League 2022, Nam Định - Hà Nội: Áp lực cho đôi bên