Xuất ngoại để duy trì phong độ

Trong thời điểm diễn biến Covid-19 còn phức tạp, thể thao Việt Nam tiếp tục có VĐV ra nước ngoài thi đấu dài hạn, như trường hợp chủ công bóng chuyền Trần Thị Thanh Thúy là tin vui cho người làm thể thao.
Chủ công Trần Thị Thanh Thuý sẽ thi đấu tại Nhật Bản trong thời gian tới.
Chủ công Trần Thị Thanh Thuý sẽ thi đấu tại Nhật Bản trong thời gian tới.

Giỏi chuyên môn là có cơ hội

Nếu không có gì thay đổi, chủ công bóng chuyền Trần Thị Thanh Thúy sẽ tạm chia tay đồng đội tại CLB nữ VTV Bình Điền Long An, trở lại Nhật Bản khoác áo đội bóng PFU Bluecat vào ngày 18-9 tới. Đây là CLB đang thi đấu giải bóng chuyền nữ quốc gia Nhật Bản. 

Như vậy, cùng lúc, thể thao Việt Nam có 2 tuyển thủ quốc gia khoác áo dài hạn các CLB thể thao tại Nhật Bản dù đây là thời điểm Covid-19 còn diễn biến phức tạp: thủ môn Đặng Văn Lâm (bóng đá, CLB Cerezo Osaka), Trần Thị Thanh Thúy (bóng chuyền nữ). Họ đang là những người có chuyên môn nổi bật ở môn thể thao của mình so với các đồng đội trong nước, vì thế cơ hội thi đấu dài hạn ở nước ngoài được hiện thực không khó khăn.

Sau giai đoạn đi tiên phong trong việc có VĐV ra nước ngoài thi đấu gồm nhiều trường hợp Ngô Văn Kiều, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Liên thì bây giờ, bóng chuyền chỉ có Thanh Thúy là cầu thủ duy nhất đánh thuê dài hạn tại Nhật Bản. Chủ công người Long An sở hữu chiều cao 1m91, khả năng về sức bật và sức mạnh đập bóng tấn công ưu việt nên cô được chọn là dễ hiểu.

Xuất ngoại để duy trì phong độ ảnh 1 Trần Thị Thanh Thuý và một trong những VĐV của Việt Nam xuất ngoại nhiều nhất.
Trong các cầu thủ nữ tại giải vô địch bóng chuyền nữ quốc gia hiện tại, chưa VĐV nào có chiều cao và sự ổn định chuyên môn hơn Thanh Thúy. Với nam, chủ công Từ Thanh Thuận từng được lời mời thi đấu ở nước ngoài theo hợp đồng ngắn hạn, tuy vậy cầu thủ đã từ chối vì nhiều nguyên do nên tới bây giờ vẫn chưa có cơ hội thứ hai.

Chờ dịp xuất ngoại

"Nếu VĐV được mời đi thi đấu quốc tế sẽ rất tốt cả về thu nhập lẫn tích lũy chuyên môn. Tuy nhiên, thời gian qua chưa nhiều VĐV của Việt Nam được mời khoác áo từ các CLB bên ngoài. Mấu chốt vẫn là ở việc kỳ thủ phải có tính ổn định và năng lực thi đấu cùng hệ số elo cao", phụ trách bộ môn cờ vua (Tổng cục TDTT) Nguyễn Minh Thắng từng phân tích.

Trừ trường hợp của Lê Quang Liêm, các kỳ thủ cờ vua còn lại ở Việt Nam không nhiều cơ hội được thi đấu các giải quốc tế đẳng cấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có người đã được CLB nước ngoài mời về khoác áo dự các giải cụ thể. Năm 2011, hai vợ chồng Phạm Lê Thảo Nguyên và Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng được 1 CLB cờ tại Trung Quốc mời về khoác áo thi đấu trong giải quốc nội của nước bạn.

Xuất ngoại để duy trì phong độ ảnh 2 ĐKTQT Lê Quang Liêm thường xuyên được mời ra nước ngoài thi đấu.
"Do Covid-19, một số giải đấu có thêm hình thức thi đấu trực tuyến (online) tuy nhiên phần chung là giải thưởng không cao. Chỉ các giải thật sự lớn mới có tiền thưởng cao từ vài chục tới trăm ngàn USD và quy tụ các đại kiện tướng hàng đầu thế giới tham gia. Giải nhỏ, VĐV tham dự chủ yếu tích lũy điểm và chuyên môn chứ không thể nhắm vào tiền thưởng. Khi thi đấu online, ít CLB tính việc thuê kỳ thủ về thi đấu", ông Thắng nói thêm.

Tuy nhiên, nhiều giải đấu và hoạt động của cờ vua trên thế giới gần gần như trở lại bình thường nên kỳ thủ sẽ có cơ hội thi đấu cọ xát, gia tăng thành tích. "Chúng tôi vẫn luôn mong các em có được cơ hội đấu nhiều giải quốc tế càng tốt. Khi nhiều đội cờ biết về mình là VĐV có chuyên môn, cơ hội được thuê khoác áo (nếu có) không nhỏ", ông Thắng chia sẻ. 

Nguyễn Tiến Minh từng là VĐV thể thao thành tích cao (ngoài bóng đá) có thu nhập cá nhân tốt nhất thông qua hợp đồng tài trợ cũng như tiền lót tay khi đi khoác áo đánh thuê ở nước ngoài trong môn cầu lông. Hiện tại, cầu lông Việt Nam chưa có thêm VĐV nào được nhiều lần đi đánh thuê như Tiến Minh. Về nữ, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang chờ chuyến tập huấn dài hạn tại CLB Saikyobank (Nhật Bản) để tăng cường chuyên môn sau thi đấu Olympic Tokyo 2020 và kế hoạch đã được bàn thảo.

Tin cùng chuyên mục