Xứ sở bạch dương bừng sáng

Nói về cơn sốt bóng đá đang lan tỏa ở Nga, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho rằng Nga đã trở thành một quốc gia bóng đá thực sự. Quả thật, chỉ với hơn 3 tuần, sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh đã mang lại cho nước Nga một diện mạo mới đầy tươi tắn…
Kiêu hãnh và quyến rũ 
Vòng chung kết World Cup năm nay là một giải đấu với nhiều bất ngờ không thể đoán trước. Những đội tuyển mạnh như Brazil, Đức, Tây Ban Nha, Argentina lần lượt lên đường về nước trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.
Trong khi đó, Nga - đội bóng được đánh giá yếu ở giải, lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi chơi với quyết tâm cao và lọt vào tứ kết. Sự tiến xa không ngờ của đội tuyển Nga cùng với hình ảnh một nước Nga mới đã cho thấy xứ bạch dương là hình mẫu trong việc tổ chức sự kiện thể thao nổi tiếng nhất hành tinh.
Diễn ra trong bối cảnh Nga vẫn bị phương Tây cô lập, sau hàng loạt căng thẳng từ sự kiện Crime, bầu cử Mỹ cho đến vụ cựu điệp viên Nga bị nghi đầu độc ở Anh, World Cup đến xứ bạch dương trong sự lo lắng và nghi ngại. Rồi tất cả đã dần được xóa bỏ.
Có lẽ, hình ảnh đẹp nhất ở nước Nga là giây phút người hâm mộ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới trao cho nhau những cái ôm thật chặt, cùng chia sẻ giây phút chiến thắng hay gục đầu vào vai nhau để quên đi nỗi buồn khi chứng kiến đội tuyển mình yêu quý gục ngã trước đối thủ.
Xứ sở bạch dương bừng sáng ảnh 1 Tổng thống Nga Putin tự hào vì nước Nga đăng cai thành công World Cup
Trận mở màn của đội chủ nhà là một màn dạo đầu đẹp và ở những trận kế tiếp, “gấu” Nga đã chứng tỏ sức mạnh của mình khi đè bẹp nhiều đối thủ mạnh. Có thể nói đến lợi thế sân nhà, nhưng dẫu sao, bóng đá đẹp vẫn là môn thể thao cần có sự cống hiến. Cầu thủ Nga dẫu không sở hữu kỹ thuật vượt trội so với đối thủ nhưng nhờ lối chơi đoàn kết và sức mạnh, họ đã làm đối phương bất ngờ, choáng váng. Với người hâm mộ ở xứ bạch dương, có lẽ họ chỉ cần thế. 
Ở giải đấu, một lần nữa, phẩm chất kiêu hãnh của Nga lại được bàn luận nhiều nhất. Nga đã trở lại làng bóng đá thế giới theo cái cách mà ít người ngờ tới nhất.
Với Điện Kremlin và nhiều người Nga, World Cup là cơ hội để thuyết phục mọi người rằng Nga là đất nước bình thường. Thế giới phải thán phục vì chất lượng tổ chức World Cup, từ những quy định ưu tiên trong kiểm soát đối với người hâm mộ nước ngoài, từ việc di chuyển thuận lợi giữa 11 thành phố của đất nước rộng lớn, từ an ninh bảo đảm trước và sau trận đấu, các tình nguyện viên nhiệt tình và chuyên nghiệp, cho đến cách tiếp cận linh động và kịp thời trong giải quyết vấn đề phát sinh.
Không có mối lo nào về việc sân vận động chưa hoàn thiện hay biểu tình như World Cup 2014 ở Brazil và cũng không có trận chiến đường phố nào như EURO ở Pháp năm 2016. Trước khi World Cup khai mạc, đã có nhiều sự lo ngại về rắc rối liên quan đến hooligan Nga.
Tuy nhiên, theo tờ Independent, nỗ lực của chính quyền Nga nhằm hạn chế cổ động viên Nga quá khích dường như đã thành công. Vẫn chưa ghi nhận bất kỳ sự cố nào liên quan đến phân biệt chủng tộc ở World Cup. 
Tình trạng trộm cắp cũng không xảy ra ở 11 thành phố diễn ra sự kiện World Cup. Lý do chính khiến tình trạng trộm cắp vặt ở Nga bị hạn chế tối đa là lực lượng an ninh làm việc hiệu quả. Họ luôn có mặt mọi nơi, thậm chí còn bảo quản đồ cho du khách nếu như vô tình để quên trên đường.
Bên cạnh đó, ý thức của người Nga cũng luôn rất cao. Người Nga quan niệm thứ gì không phải của mình thì không nên cầm. Chính tất cả những điều này giúp cho nước Nga được các cổ động viên nước ngoài đánh giá là an toàn, thân thiện và mến khách.
Anh Adrian, một cổ động viên đến từ Brazil, chia sẻ: “Tôi không nghĩ ở Nga lại an toàn đến thế. Chúng tôi cảm thấy thậm chí còn an toàn hơn cả ở nhà”. Ngoài ra, có suy đoán rằng người hâm mộ Anh sẽ bị đối xử lạnh lùng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh.
Nhưng không, người Anh đến Nga xem World Cup cho biết họ nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt.
Cổ động viên Colombia, Argentina, Mexico hay Pháp  cũng  thốt lên: “Nước Nga không như tôi nghĩ! Nước Nga tuyệt vời”. Sự hiện diện của hàng ngàn người hâm mộ nước ngoài cổ vũ bóng đá ở Nga cho thấy một thông điệp mạnh mẽ: Nga chào đón thế giới với vòng tay rộng mở và Nga không hề bị cô lập.
Đáng ngạc nhiên nhất là bất chấp việc đội tuyển Mỹ không thể vượt qua vòng đấu bảng, xứ cờ hoa vẫn là quốc gia có lượng người hâm mộ đến Nga xem World Cup 2018 đông nhất thế giới. Kể từ khi vé của World Cup chính thức được mở bán hồi tháng 9-2017, người hâm mộ Mỹ đã mua 88.825 vé. 
World Cup 2018 còn mang đến cho nghề sản xuất hàng lưu niệm của Nga một diện mạo mới. Trang phục thi đấu của các đội tuyển giờ dường như đã là những món đồ quá phổ biến. Do đó, các cơ sở sản xuất tìm tòi, chuyển hướng sang những mặt hàng khác hấp dẫn hơn, nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của các cổ động viên, cũng như khách du lịch trong mùa World Cup.
Nhiều cơ sở sản xuất đã cho xuất xưởng các mẫu búp bê gỗ theo kiểu truyền thống của Nga, nhưng mang gương mặt của các danh thủ nổi tiếng, như Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) hay Lionel Messi (Argentina)... Khách du lịch tới Nga trong mùa hè này cũng có thể bắt gặp các gương mặt cầu thủ trong các tiệm bánh, khi hình ảnh của họ được vẽ lên những chiếc bánh macaroni ngọt ngào. 
Dự án lịch sử 
Việc đăng cai tổ chức World Cup 2018 được xem là dự án lịch sử của ông Putin và cho đến nay, dự án đã mang lại chiến thắng lớn về quyền lực mềm khi các chính sách ngoại giao của Tổng thống Nga được củng cố mạnh mẽ.
Sự kiện World Cup là cơ hội có hàng loạt cuộc gặp với các khách quốc tế bên lề giải đấu trong thời điểm Nga bị phương Tây cô lập. Vào ngày 7-7, nguồn tin từ Điện Elysee cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến đến Nga xem World Cup.
Tổng thống Pháp từng nói rằng ông sẽ đến Nga nếu Pháp vào được bán kết, điều trở thành hiện thực vào ngày 6-7 khi đội bóng này loại Uruguay với chiến thắng 2-0.  
Xứ sở bạch dương bừng sáng ảnh 2 Xứ sở bạch dương hào hứng với World Cup
Trong con mắt của Tổng thống Nga, việc đăng cai World Cup là thông điệp gửi đến thế giới và cả người dân Nga, rằng nước Nga vẫn thành công bất chấp những nỗ lực cấm vận từ phương Tây.
Với ông Putin, World Cup là lời khẳng định rằng lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây đã không đem lại tác dụng. 8 năm trước, vào tháng 12-2010, đích thân ông Putin, khi đó là Thủ tướng đã có mặt tại buổi thuyết trình về kế hoạch xin đăng cai World Cup 2018 tại trụ sở FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ.
Sự hiện diện của ông Putin, cùng uy tín và tài năng thuyết phục đã giúp Nga giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong 8 năm chuẩn bị cho World Cup, ông Putin đã phê chuẩn nhiều dự luật cho phép Mátxcơva chi tới 14 tỷ USD, để xây mới 8 sân vận động và 95 sân tập, sửa chữa và nâng cấp 4 sân vận động khác. 
Bóng đá cũng làm sống lại tình yêu với trái bóng tròn ở nước Nga. Trước khi World Cup 2018 khởi tranh, truyền thông Nga khảo sát và chỉ có hơn một nửa số người tham gia nói rằng họ quan tâm đến bóng đá (53%). Số còn lại tương đối thờ ơ. Với người Nga, bóng đá vốn không phải là môn thể thao số một.
Nhưng ngày trái bóng Telsta chính thức lăn (14-6) cũng là lúc người Nga bắt đầu thay đổi hình ảnh, quan điểm của họ về bóng đá, về World Cup 2018. Khắp các tuyến đường ở Mátxcơva, Saint Peterburg, Kazan, Sochi... và nhiều thành phố khác, có thể bắt gặp những lá cờ Nga bay phấp phới và đâu đó văng vẳng bên tai những tiếng “Nước Nga, Nước Nga”.
Âm thanh đó không chỉ đến từ những người Nga yêu bóng đá, mà còn từ các cổ động viên nước ngoài, những người tới Nga và đang được tận hưởng trong bầu không khí bóng đá thực sự.
Vòng chung kết World Cup 2018 đang tạo ra một hiệu ứng đặc biệt, khiến người ta chỉ còn nói về bóng đá khi đi cùng nhau. Đó là một sự thay đổi lớn trong quan điểm của người Nga.

Tin cùng chuyên mục