Giám sát chặt việc chuẩn bị đăng cai Asiad 18

Giám sát chặt việc chuẩn bị đăng cai Asiad 18

Phiên điều trần hôm 18-3 trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN-NĐ) của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh vẫn chưa phúc đáp rõ về những vấn đề đặt ra với việc đăng cai Asiad 18, đặc biệt là kinh phí tổ chức. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN-NĐ của Quốc hội về dư luận này.

Ông Lê Như Tiến

Ông Lê Như Tiến

- Phóng viên: Thưa ông, dư luận đang rất lo lắng rằng chúng ta đăng cai Asiad 18 rất có thể sẽ để lại “gánh nợ” cho con cháu sau này?

>> Ông LÊ NHƯ TIẾN: Việc đất nước ta đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (Asiad 18) 2019 đã được Nhà nước, Chính phủ cam kết với nước ngoài. Chúng ta đã cử đoàn sang nhận biểu trưng đăng cai, Chính phủ đã giao Hà Nội chuẩn bị.

Vì nước ta đang khó khăn nên tôi cho rằng đăng cai nhưng phải tận dụng tất cả hạ tầng sẵn có mà SEA Games 2003 để lại, như sân vận động quốc gia, khu liên hiệp thể thao dưới nước, sân thể thao Quần Ngựa, các hạ tầng thể thao, giao thông khác. Nói chung là phải triệt để tiết kiệm đầu tư mới nếu như đã có cơ sở cũ, thay vào đó tăng cường nâng cấp hạ tầng đã có để phục vụ Asiad 18. Tôi đề nghị các bộ VH-TT-DL, KH-ĐT, Tài chính phải ngồi lại với nhau, rà soát toàn bộ từng hạng mục, từng nội dung dự án để làm rõ tổng chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để chuẩn bị cho Asiad 18 là bao nhiêu, vì 150 triệu USD mà Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề cập mới chỉ là để chi cho công tác tổ chức. Còn chi phí lớn cho sự kiện này theo tôi là kinh phí đào tạo đội ngũ VĐV (được biết có tới 850 VĐV sẽ tham gia tập huấn trong và ngoài nước), rồi xây dựng làng VĐV hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho một số bộ môn thể thao như sân đua xe đạp lòng chảo, sân đua ngựa... Phải tính toán cụ thể từng hạng mục, dự án, công trình sau đó công khai cho nhân dân biết tổng chi phí cho Asiad 18 là bao nhiêu, trong đó ngân sách nhà nước bỏ bao nhiêu, xã hội hóa là bao nhiêu, đầu tư của nước ngoài là bao nhiêu.

- Nhiều ý kiến đang cho rằng khi đưa tách con số 150 triệu USD để chuẩn bị cho Asiad 18 là Bộ VH-TT-DL đang làm “xiếc” với những con số?

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nói cần 150 triệu USD để đăng cai Asiad 18 là không ai chấp nhận được, bởi chúng ta đã có thực tế trước mắt là Hàn Quốc phải chi tới 1,62 tỷ USD cho việc đăng cai sự kiện Asiad 2014. Không thể tách rời chi phí tổ chức mà phải là số tiền tổng thể phải chi cho sự kiện này để có kế hoạch chuẩn bị kinh phí từ bây giờ. Phải nói rõ chúng ta đã có bao nhiêu hạ tầng có thể tận dụng, bao nhiêu phải xây mới, nâng cấp bao nhiêu với tổng chi phí thế nào. Phải có con số rõ ràng để Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị, đưa ra lộ trình đầu tư, nếu không sau này kinh phí đội lên nhiều lần thì lấy tiền đâu ra mà trả, ai chịu trách nhiệm?

Khi đã tính toán được tổng số tiền phải chi, có lộ trình đầu tư và giải pháp đi kèm thì chúng ta sẽ phân kỳ đầu tư được hợp lý, hiệu quả với từng thành phần tham gia cụ thể. Ví dụ trong tổng số đó thì doanh nghiệp họ đảm đương được bao nhiêu, xã hội hóa được bao nhiêu, nhà nước phải chuẩn bị thế nào.

- Ông nhận định gì về dư luận đề xuất nên bỏ quyền đăng cai?

Việt Nam đã cam kết rồi thì theo tôi đến thời điểm này không nên bàn chuyện bỏ quyền đăng cai. Nếu bỏ thì phải bỏ từ đầu. Cần nhắc lại, khi chúng ta đăng cai SEA Games 2003 thì cũng có những ý kiến tương tự như bây giờ đối với Asiad 18. Nhưng khi quyết tâm làm thì bây giờ chúng ta đã có hạ tầng thể thao cơ bản, lợi ích kép là rất lớn, nên sau Asiad 18 cũng sẽ như thế. Chính phủ và các bộ, ngành cần đưa ra được con số kinh phí tổng thể, phân loại chi phí, phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên để hạn chế tác động đến nền kinh tế. Nói chung, dù khó khăn thì vẫn phải cố gắng làm tốt việc đăng cai này. Tôi hy vọng lượng khách quốc tế đến sẽ rất đông. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu làm khéo thì vẫn có lãi.

- Nếu không thể “bỏ”, theo ông Quốc hội có nên vào cuộc giám sát việc chuẩn bị cho Asiad 18?

Vì đây là vấn đề dân đang rất quan tâm nên chắc chắn tới đây các đại biểu Quốc hội sẽ vào cuộc. Vừa rồi Ủy ban VHGDTNTN-NĐ của Quốc hội cũng đã yêu cầu Bộ VH-TT-DL giải trình rồi, nhưng kỳ họp Quốc hội tới nhiều đại biểu vẫn sẽ quan tâm tiếp. Chắc chắn các đại biểu sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác chuẩn bị cho Asiad 18, trong đó có vấn đề chuẩn bị kinh phí để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát một cách chặt chẽ. Một khi Chính phủ đã có báo cáo, có cam kết trước Quốc hội, trước nhân dân về nguồn lực, lộ trình chuẩn bị thì sẽ được Quốc hội, nhân dân ủng hộ. Tôi cho là phải làm quyết liệt ngay từ bây giờ, vì vẫn còn tới 4 năm nữa, chúng ta vẫn kịp thời gian để phân kỳ, ưu tiên đầu tư một cách hiệu quả, tiết kiệm.

- Ông nhiều lần nhắc tới yêu cầu phải tiết kiệm khi thực hiện đăng cai Asiad 18. Theo ông phải làm thế nào?

Tôi cho rằng không có cách nào khác là phải đẩy mạnh xã hội hóa thể thao. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy họ để doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư nhiều hạng mục, sau đó họ được khai thác một thời gian, giống như mô hình BOT trong xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay. Hạ tầng Asiad 18 có thể được chuẩn bị để sau chuyển sang sử dụng với mục đích khác, ví dụ làng vận động viên sau này hoàn toàn có thể chuyển thành một trường đại học, một khu đô thị mới hoàn hảo nếu ngay từ đầu chúng ta đặt mục tiêu xây dựng đa mục đích; hoặc bệnh viện phục vụ cho Asiad 18 sau này có thể thành bệnh viện dân sinh... Để làm được thế, công tác chuẩn bị đầu tư phải được lên kế hoạch một cách tổng thể ngay từ đầu.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục