World Cup của cảm xúc và tranh cãi

Đội tuyển Pháp lần thứ nhì bước lên đỉnh thế giới, còn Croatia trở thành “kẻ thất bại vĩ đại” nhờ chiếm trọn cảm tình từ giới mộ điệu, đã khép lại kỳ World Cup thứ 21 đầy ấn tượng và hứng khởi mà FIFA, nước Nga và cả thế giới đã trông đợi. 
Tổng thống Croatia, bà Kolinda Grabar-Kitarovic (phải), luôn sát sánh cùng đội tuyển quốc gia tại World Cup.
Tổng thống Croatia, bà Kolinda Grabar-Kitarovic (phải), luôn sát sánh cùng đội tuyển quốc gia tại World Cup.

Đấy là những giá trị khác biệt mà đấu trường bóng đá lớn nhất hành tinh luôn tạo ra suốt chiều dài lịch sử của mình.

Rõ ràng, Croatia đã khiến cả thế giới thán phục không chỉ vì chiến tích lần đầu tiên lọt vào đến trận chung kết World Cup, mà còn vì lối chơi quả cảm và đầy dũng khí của những Luka Modric, Ivan Perisic, Subasic, Rakitic… một tập thể ưu tú được hơn 4 triệu người dân Croatia gửi trọn tin yêu trong cuộc hành trình trên đất Nga. Họ còn nhận được nguồn sức mạnh khác từ nữ Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic đam mê bóng đá cuồng nhiệt, luôn sát cánh với đội tuyển quốc gia, đã giúp Croatia tự tin đánh bại hàng loạt đối thủ trước khi hội ngộ cùng người Pháp ở trận đấu cuối cùng.

Croatia không thắng Pháp tại World Cup, nhưng thầy trò Zlatko Dalic lại đánh bại tuyển Pháp ở góc độ niềm tin về một khát vọng gìn giữ bóng đá tấn công đẹp mắt và hào hoa đang có chiều hướng phai nhạt qua các kỳ World Cup gần nhất. Thế giới vẫn cần đường nét khoáng đạt và bùng nổ trong chiến thuật chơi bóng, chứ không phải thực dụng để giành chiến thắng bằng mọi giá. Vì thế, Croatia có vẻ đã trở thành đội bóng được yêu thích nhất tại World Cup 2018, sau khi hàng loạt “vũ công” Brazil, Argentina, Đức, Tây Ban Nha, Uruguay sớm dừng cuộc chơi.

Sân khấu World Cup 2018 cũng chứng kiến sự bùng nổ của nhiều tài năng trẻ như Kylian Mbappe, Lucas Hernandez, Benjamin Pavard (Pháp), Lucas Torreira, Rodrigo Bentacur (Uruguay), Hirving Lozano (Mexico), Alexandr Golovin (Nga), Yerry Mina (Colombia), Marcus Rashford (Anh)… Họ đã chính thức trở thành tâm điểm theo đuổi của các CLB hàng đầu châu Âu sau màn trình diễn ngoạn mục trên đất Nga. Chắc chắn ở kỳ World Cup kế tiếp diễn ra tại châu Á - Qatar 2022 - những gương mặt nói trên sẽ tạo nên cảm hứng cho các trận đấu, thay cho thế hệ những Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Iniesta, Mesut Oezil… đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Bên cạnh những nét đẹp, World Cup 2018 cũng gây ra không ít tranh cãi. Đầu tiên là chuyện FIFA áp dụng “điều luật Fair-Play” để xác định đội tuyển Nhật Bản giành vé đi tiếp vào vòng đấu knock-out chứ không phải Senegal tại bảng H vì bị phạt ít hơn đối thủ cạnh tranh 2 tấm thẻ vàng. Trong trường hợp này, nếu không có trận đấu play-off thì theo nhiều chuyên gia, FIFA phải thay bằng bốc thăm may mắn, thì bớt đi được “lời ra tiếng vào”.

VAR - công nghệ hỗ trợ trọng tài - cũng bị phản ứng dữ dội, phần vì giải pháp này đã cắt vụn nhiều trận đấu và gây ức chế cho cầu thủ của đội bóng bị phạt, phần nữa vì tính chính xác của nó đã làm mất đi cảm xúc và sự hấp dẫn của môn chơi vốn được cho là thú vị này. VAR đã tạo nên kỷ lục mới về số lượng bàn thắng được ghi từ chấm đá phạt đền (27 bàn), tức là gần gấp so với đôi kỷ lục cũ (18 bàn) ở World Cup 2002. Ngày 15-6, pha ghi bàn của Diego Costa (Tây Ban Nha) vào lưới Bồ Đào Nha trở thành bàn thắng đầu tiên của World Cup dựa trên quyết định của VAR. Hình phạt đầu tiên từ quyết định VAR được trao cho tuyển Pháp trong trận gặp Australia vào ngày 16-6 và dẫn đến bàn thắng từ chấm penalty của Antoine Griezmann.

Tin cùng chuyên mục