World Cup 2022 nhìn từ Qatar: Những giấc mơ trên sa mạc

Qatar những ngày này vẫn nóng như thiêu đốt, kể cả những khách đến từ Việt Nam, nơi quen với cái nóng ẩm. Nhưng như vậy thì mới gọi là “Mùa hè bóng đá”, bởi điều quan trọng nhất vẫn là 90 phút trên sân và những lễ hội đường phố chưa từng có phút giây thôi lôi cuốn các tín đồ túc cầu giáo đến từ khắp nơi trên thế giới.
Sân vận động quốc tế Khalifa là công trình ấn tượng của Qatar dành cho World Cup 2022
Sân vận động quốc tế Khalifa là công trình ấn tượng của Qatar dành cho World Cup 2022

Qatar đón World Cup ra sao?

 Đừng hình dung Qatar qua lăng kính của các tờ báo đến từ Anh hay Đức, bởi chắc chắn nó sẽ nhuốm một màu sắc không dễ chịu, thậm chí là cay nghiệt. 10 bài báo trên tờ The Guardian nổi tiếng, thì hết 9 bài nhắc đến người nhập cư tại Qatar và những bất công mà họ đang chịu đựng nơi xứ người. Sự chính xác của các thông tin như vậy đến mức nào khó mà phán xét. Vấn đề sử dụng lao động nhập cư không chỉ xuất hiện tại World Cup hay các công trình liên quan đến sự kiện này, nó là câu chuyện của xã hội Qatar rất nhiều năm rồi, không nên “mượn” World Cup 2022 để chỉ trích, bởi tiêu chí của bóng đá là phi chính trị.

Có một chuyện không biết là vui hay giận, số là ở trận ra quân của đội tuyển Anh, một nhóm CĐV nước này bị đuổi khỏi sân vì mặc trang phục của các hiệp sĩ thánh chiến thời trung cổ. Cứ cho là các CĐV kia vô ý, nhưng làm sao có thể đến một đất nước Hồi giáo mà lại bắt người ta nhớ đến thời chiến tranh tôn giáo trước đây. Điều đó là sự thiếu tôn trọng, mang tính xúc phạm rất cao. Nghĩa là từ truyền thông đến các CĐV bình thường của Anh, đều mang một ác cảm với Qatar. Nó phủi sạch mọi nỗ lực của nước chủ nhà cho kỳ World Cup mang ý nghĩa lịch sử này.

Qatar vẫn đang yên lành tại World Cup. Những vấn đề xã hội đang nhường chỗ cho không khí bóng đá. Mới hôm kia, 1.600 CĐV Xứ Wales leo lên tận tầng 55 của khách sạn để tổ chức… lễ hội bia với cái giá đắt đến… quỳ gối. Qatar cấm bán bia ở sân vận động, đây là truyền thống của đất nước họ, nhưng ở một vài nơi, đâu có ai cấm, miễn là… có tiền. Rõ ràng, đây là câu chuyện về sự hòa hợp, thích ứng chứ không nên nhìn dưới góc độ phiến diện quá mức. Qatar đã bỏ ra gần 300 tỷ USD để đem World Cup về châu Á, ở một góc nhìn nào đó, họ muốn châu Á nói chung và khu vực Ả Rập nói riêng được tôn trọng và đề cao giá trị văn hóa của mình. Có đất nước nào đăng cai các sự kiện khổng lồ như World Cup hay Olympic mà không có mục đích giới thiệu bản sắc riêng của quốc gia mình?

Ở khu chợ Wagif nổi tiếng bậc nhất thế giới Ả Rập tại thủ đô Doha, các CĐV nước ngoài có thể sống trong một bầu không khí hội hè. Có nhạc, có ồn ào, có những câu chuyện về bóng đá bất tận. Tiếng cười ầm ĩ cứ vang lên khắp nơi, xen giữa lời cầu kinh của người Hồi giáo vào giờ hành lễ. Một sự giao thoa văn hóa mà nếu chúng ta bình tâm nhìn nhận, thì đang thấy một sự yên bình của thế giới đại đồng yêu chuộng hòa bình và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Bình minh châu Á

Không chỉ có Qatar mới chịu nhiều ngờ vực từ con mắt của châu Âu. Làng cầu châu Á cũng vậy. Thật đáng ngạc nhiên là hồi người Mỹ tổ chức World Cup 1994, trình độ của họ cũng đâu hơn gì bóng đá châu Á. Các sân bóng của họ, còn vài chỗ được dựng tạm từ các sân bóng bầu dục. Giải nhà nghề Mỹ khi đó có chất lượng chỉ ngang với J-League hay K-League. Vấn đề nằm ở góc nhìn, một hệ quy chiếu có phần phiến diện.
Thực tế thì hồi Nhật Bản - Hàn Quốc đồng đăng cai World Cup 2002 và cả 2 đội cùng vượt qua vòng bảng, người ta cũng không tin. Nakata sang Serie A, Park Ji-sung ghi bàn trong màu áo Man.United, cũng chưa thay đổi được gì cả. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, bình minh bóng đá đang nằm ở châu Á. Người ta đã từng kỳ vọng vào châu Phi, nhất là sau chuyện cổ tích của Cameroon ở Italy 1990, nhưng sự thất thường đã khiến lục địa đen đánh mất bản sắc của mình.

Châu Á thì ngược lại, đi từ sự xem thường đến câu trả lời trên sân cỏ. Saudi Arabia đánh bại Argentina, Nhật Bản lật đổ tuyển Đức và Hàn Quốc cầm hòa Uruguay, Iran khiến Xứ Wales phải “lấm lưng, trắng bụng”. Một lần là may mắn, 3 lần thì chắc chắn. Giờ đây, bất kỳ ai coi thường bóng đá châu Á đều sẽ phải nhận bài học đắng. Nó cũng như chuyện Qatar tổ chức World Cup trên sa mạc, ở xứ vùng Vịnh chỉ có nắng, gió và nguồn tài nguyên lấy từ lòng đất. Giấc mơ không của riêng ai, quan trọng là cách làm.

Trên những tuyến buýt nhanh di chuyển từ sân này sang sân kia chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, người ta không thấy khoảng cách giữa các CĐV với nhau. World Cup 2022 không có bia, điều đó thật bất tiện, nhưng không vì thế mà thiếu đi lễ hội. Chưa có kỳ World Cup nào mà trên khán đài luôn có nhiều hơn 2 nhóm CĐV đến từ nhiều nước khác nhau. Khoảng cách đến sân bóng càng gần, thì đường từ trái tim đến sân bóng càng ngắn. CĐV thay vì la cà ở các quán rượu đợi đến ngày đội mình đá, sẽ tìm vào sân bóng để làm CĐV trung lập. Nói cho cùng, đi xem World Cup cốt là để vui, để tìm cảm giác khác lạ khỏi cuộc sống bộn bề.

Hãy nhìn FIFA World Cup Qatar 2022 dưới góc nhìn đó. Vì đấy là khởi nguồn của các giấc mơ, từ miền sa mạc nóng cháy hay những cánh đồng ngọt lịm tiếng hò ở Việt Nam. Nhìn từ Qatar, mới thấy giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam không ngoài tầm với. Bằng cách của riêng mình, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia sẽ tìm ra con đường thành công và khiến thế giới phải tôn trọng. Nhìn niềm vui của người Nhật Bản khi đánh bại Đức, chúng ta thấy khúc hoan ca và những giọt sầu của kẻ thắng, người thua, thấy những thứ đẹp đẽ của cuộc sống mà bóng đá đem lại.

World Cup và những con số thú vị

209. Số tiền mà các CLB bóng đá trên khắp thế giới nhận được từ quỹ do FIFA tài trợ cho các CLB có cầu thủ thi đấu tại World Cup 2022 lên đến 209 triệu USD. Theo đó, các CLB sẽ nhận được số tiền 10.000 USD mỗi ngày cho mỗi cầu thủ. Được biết, số tiền này đã tăng gấp 3 lần so với World Cup 2014 được tổ chức tại Brazil.

277. Cựu thủ quân tuyển Anh David Beckham được Qatar trả khoản tiền lên đến 277 triệu USD để làm đại sứ cho World Cup 2022. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được Qatar trả dần cho Beckham trong vòng 10 năm liên tiếp.

440. Tổng giá trị giải thưởng cho World Cup 2022 lên đến 440 triệu USD, cao hơn 10 lần so với số tiền thưởng tại World Cup 2018 ở nước Nga. Đội vô địch World Cup 2022 sẽ nhận được số tiền 42 triệu USD.

832. Đó là số lượng cầu thủ được đăng ký tham dự vòng chung kết World Cup 2022, trong đó có 73% số cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu.

1,7 tỷ. FIFA chi trả cho World Cup năm nay lên tới 1,7 tỷ USD, trong đó có khoản chi lớn nhất là tiền thưởng. Ngoài ra là các chi phí khách sạn và hậu cần (322 triệu USD) và hoạt động truyền hình (247 triệu USD).

4,7 tỷ. Doanh thu dự kiến của FIFA từ World Cup 2022 ước tính sẽ đạt 4,7 tỷ USD. Trong đó, quyền phát sóng truyền hình chiếm 2,64 tỷ USD, quảng cáo mang lại 1,35 tỷ USD trong khi doanh thu bán vé và các hoạt động thương mại liên quan lên tới 500 triệu USD.

45 tỷ.Qatar đã chi ra 45 tỷ USD để xây dựng thêm Lusail là một thành phố mới ngay trên sa mạc ở phía Bắc của thủ đô Doha. Nó trở thành một tổ hợp bao gồm các đô thị trung tâm, đảo nhân tạo và cả sân vận động Lusail - nơi tổ chức trận chung kết World Cup. Sau World Cup 2022, thành phố Lusail dự kiến là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người.

PHÚC NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục