Khi bước ra đấu trường thế giới, thể thao Việt Nam từng 2 lần ngậm ngùi vì VĐV của mình dính doping. Đầu tiên là vụ lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn bị loại trước thềm Asiad 2010, hay là sự kiện “nữ hoàng thể dục dụng cụ” Đỗ Thị Ngân Thương bị hủy bỏ kết quả thi đấu vì dính chất cấm ở Olympic Bắc Kinh 2008.
Không đến mức quá nghiêm trọng, bởi cả hai trường hợp này đều do bất cẩn trong phương pháp sử dụng thuốc bổ trợ nên mới rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng dù sao điều đó cũng khiến uy tín của thể thao Việt Nam ít nhiều sụt giảm.
Lạm dụng chất cấm để mưu cầu thành tích thì không chỉ ở xứ ta, mà thế giới cũng xảy ra nhiều. Thường thì phải sau một thời gian sự thật mới phơi bày và theo cách không thể hình dung nổi. VĐV đôi lúc vô tình, nhưng nhiều người cố ý vi phạm, dùng những chất cấm nằm ngoài danh mục ở thời điểm tranh tài mà không biết rằng sự phát triển ngày càng mạnh của y học đã giúp các nhà nghiên cứu và điều hành luật phát hiện ra, đưa vào chương trình kiểm soát của mình.
Thể thao vốn dĩ tôn thờ sự cao thượng và trung thực, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng được tôn trọng. Vì bệnh hám thành tích, vì muốn nở mày nở mặt, nhiều HLV cố tình ép VĐV phải dùng thuốc để hoàn tất chỉ tiêu, đặng có điều để báo cáo trước lãnh đạo ngành sau mỗi sự kiện thể thao châu lục, thế giới diễn ra. Ở thế chẳng đặng đừng, VĐV có từ chối cũng khó, đành thuận theo chỉ đạo dù thừa hiểu như vậy là phạm luật, là thiếu minh bạch.
Trong cuộc chiến chống doping, thể thao thế giới chẳng thể tự mình giải quyết được mọi vấn đề nảy sinh, mà phải nhờ đến các cơ quan chức năng, ở đây chính là Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA), nhằm ngăn chặn đến mức tối đa sự số. Song như đã nêu, một bộ phận trong “ngôi nhà” thể thao thế giới vẫn muốn thể hiện tham vọng bất chấp mọi thủ đoạn, trong đó việc ép các VĐV dùng chất cấm là con đường dễ nhất để vươn đến những tấm HCV thế giới, Olympic…
Ở Việt Nam, kiểm tra doping là điều xa xỉ, nhất là khi quy chuẩn cho một phòng nghiên cứu và xử lý các mẫu thử quá cao, quá tốn kém và gần như không thể với tới. Trừ trường hợp diễn ra giải đấu quốc tế quan trọng, những nhà điều hành yêu cầu phải đưa vào yếu tố kiểm tra doping, thì mới có những mẩu thử (cả nước tiểu lẫn máu) được lấy và gửi đến Trung tâm giám định và đánh giá tại Bắc Kinh (Trung Quốc), còn lại, các giải từ vô địch quốc gia cho đến giải mời, giao hữu đều bỏ qua chuyện này.
Cũng khó trách khi mà chi phí cho các cuộc kiểm tra doping rất đắt, tốn nhiều công đoạn. Thường thì Ban tổ chức giải đấu chỉ khuyến cáo các đơn vị, đoàn dự giải nên thận trọng với chính VĐV của mình, kiểm soát chặt chẽ cách sử dụng thuốc bổ và kể cả chuyện ăn uống, chứ không có giải pháp cụ thể nào để ngăn chặn chuyện có hay không có doping xảy ra trong giải đấu họ tổ chức. Thế cho nên, ngay cả những nhà quản lý thể thao Việt Nam cho đến lúc này cũng khó mà khẳng định VĐV “sạch” hoàn toàn.
Tưởng chừng như đấy là điều giản đơn. Song nếu không kỹ lưỡng ngay từ trong nước, một khi xảy ra sự cố ở giải đấu quốc tế, bản thân nhà điều hành thể thao Việt Nam cũng cảm thấy hổ thẹn và nhận ra thiếu sót của mình trong trách nhiệm quản lý VĐV. Muốn chuyên nghiệp hóa ngành nghề thì chống doping và gian lận trong thi đấu là 2 trong số những yếu tố cần được giám sát nghiêm ngặt. Thể thao cao thượng và trung thực chỉ xuất phát từ ý thức, tư duy và cách làm của những người tâm huyết, đàng hoàng…
Lê Hùng
Các tin, bài viết khác
-
Ngô Đình Nại đánh rơi chiến thắng trước “thiên tài” Caudron ở giải Billiards PBA Tour
-
“Gã điên Ailen” Conor McGregor: “Mỏ vàng” của UFC, kiếm 516 triệu USD bản quyền truyền hình sau... 7 năm
-
Ngô Đình Nại quyết đấu với “thiên tài” Caudron ở giải Billiards PBA Tour
-
Umar Nurmagomedov: Em họ của Khabib thắng trận “chào sân” ở UFC bằng tuyệt chiêu siết cổ
-
Ngô Đình Nại tiếp tục thăng hoa ở giải Billiards PBA Tour tại Hàn Quốc
-
UFC 257: Trận tái chiến Conor McGregor vs Dustin Poirier khiến cả làng MMA sôi sục
-
Ba cơ thủ Việt Nam đại thắng ngày ra quân giải Billiards PBA Tour tại Hàn Quốc
-
UFC 257: Khabib sẽ quay trở lại, nhưng để xem trận McGregor vs Poirier, chuyện khác tính sau!
-
Trào lưu chạy bộ trong cộng đồng
-
Poirier vs. McGregor II: “Viên kim cương” muốn cả anh, cả “Gã điên Ailen” đều phải đổ máu