1. HLV Miura có tiếp tục được gia hạn hợp đồng với VFF hay không? Điều này không quan trọng bởi cái chính là chuyện Miura ở lại hay ra đi chưa chắc đã do VFF hay bản thân Miura quyết định.
HLV Miura và bầu Đức thuở còn “mặn nồng”. Ảnh: Minh Trần
Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên về cái sự "tỉnh như không” của HLV Miura cho dù Phó chủ tịch đương nhiệm VFF là Đoàn Nguyên Đức công khai đòi sa thải ông ta. Rõ ràng, ông Miura là một "ca đặc biệt”, một "người làm thuê” không ngán chuyện bị sa thải dù trước khi sang Việt Nam ông ta đang thất nghiệp.
Cả làng cầu gây sức ép đòi ông phải thay đổi lối chơi, đưa nhiều cầu thủ HA.GL lên tuyển, tạo điều kiện cho ngôi sao Công Phượng, HLV Miura đều bỏ ngoài tai. Liệu có “người làm thuê” nào “liều lĩnh” như ông ta không? Có, nhưng ít lắm.
Còn nữa. Đã làm việc gần như độc lập, toàn quyền quyết định các vấn đề của đội tuyển, ông Miura thậm chí còn chuẩn bị đề xuất VFF phải kiếm cho ông một Giám đốc kỹ thuật. Đây là một trong những chuyện lạ nhất thế giới bởi thông thường, chính ông Giám đốc kỹ thuật mới là người đi tìm HLV trưởng cho các đội tuyển, đằng này ông Miura lại muốn có "người giúp việc”.
2. Những câu chuyện kỳ bí về Miura nói ở trên nghe thì khó hiểu, nhưng kỳ thực rất đơn giản: Toshiya Miura là một phần trong “vốn ODA” mà phía bóng đá Nhật Bản cho VFF "vay”.
Cứ nhìn toàn bộ lịch tập huấn của đội U.23 chuẩn bị cho VCK châu Á thì biết: từ đá tập kiểm tra đội hình đến giao hữu chính thức đều là các đội bóng Nhật Bản bao gồm đội U.23 “Tiểu Samurai”. Nó không khác gì chính người Nhật đã tổ chức toàn bộ kế hoạch cho đội U.23 Việt Nam chứ không phải VFF. Đây cũng không phải là lần duy nhất. Từ U.19 cho đến U.23, đội tuyển quốc gia suốt 2 năm qua đều liên tục được tập huấn, thi đấu với các đại diện đến từ bóng đá Nhật Bản, bao gồm cả những đợt tập trung tại xứ hoa anh đào.
Tất nhiên, có được sự giúp đỡ của nền bóng đá số 1 châu Á thì còn gì bằng. Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó.
Tương tự như các nguồn vốn ODA, bên nhận luôn phải phụ thuộc một số quy định của bên tài trợ. Được đá giao hữu với các đội bóng Nhật Bản thì đương nhiên là chất lượng cao nhưng liệu các trận đấu đó có diễn ra đúng thực chất hay không, lại là chuyện khác. Kế đến, dù có chất lượng cao thì cũng chưa hẳn là tốt. Ví dụ, tại VCK U.23 châu Á, 3 đối thủ của Việt Nam đều thuộc nhóm to, cao chơi bóng đơn giản bằng sức mạnh nhưng các đối tượng tập huấn của chúng ta lại đến từ Nhật Bản, thiên về trường phái kỹ thuật, như vậy thì dù đá được nhiều trận cũng không có ích bằng việc giao hữu với 1-2 đội đến từ Tây Á.
Cuối cùng, rất dễ nhận thấy VFF hoàn toàn bị động trong việc điều hành các đội tuyển khi từ vấn đề nhân sự cho đến hoạt động thi đấu gần như lệ thuộc vào HLV Miura, một người mà chúng ta đều biết không có kinh nghiệm quốc tế ở cấp độ đội tuyển lẫn CLB. Tất nhiên là ông Miura chẳng việc gì không sử dụng “vốn tự có” chính là bóng đá Nhật Bản, nhưng ở góc độ của VFF, lẽ ra họ phải điều chỉnh cho phù hợp. Nguồn "vốn ODA” chắc chắn là cần thiết nhưng không phải là tốt nhất, phù hợp nhất.
Hồ Việt