Với Việt Nam, không có “bảng tử thần”

Khái niệm bảng tử thần chỉ đúng với Indonesia, Philippines hay… Campuchia, chứ không phải với một đội bóng đang sở hữu phân nửa đội tuyển quốc gia và đã chơi bóng cùng nhau suốt 2 năm qua...
1. Lần cuối cùng Việt Nam lọt vào chung kết của SEA Games hoặc AFF Cup đã cách đây 8 năm, tại SEA Games 2009, tức là đã trải qua đến 3 kỳ SEA Games, 4 kỳ AFF Cup, chúng ta chưa có được cảm giác chờ đợi vinh quang sau cùng. Cũng trong quãng thời gian đó, chúng ta 2 lần không vượt qua vòng bảng.
Còn nữa. Trong cùng thời gian đó, có tổng cộng đến 7 đội bóng khác nhau có mặt trong vòng 4 đội cuối cùng. Ngoài Thái Lan và Malaysia, Singapore thay nhau đăng quang ở các sự kiện nói trên thì thực tế cho thấy Indonesia, Myanmar, Philippines có thành tích không kém Việt Nam là bao.
Với Việt Nam, không có “bảng tử thần” ảnh 1 Ở sân chơi khu vực, Thái Lan vẫn luôn là vua… Ảnh: Dũng Phương
Dựa trên những con số thống kê như vậy, tại làng cầu Đông Nam Á hiện nay, có đến 7 đội bóng được xem là “tranh đua” với nhau chứ không còn 4-5 như trước nữa. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu đem chia đôi số đội ấy ra thì bảng nào cũng là bảng tử thần với Việt Nam cả.
Ở Đông Nam Á lúc này mà nói, chỉ duy nhất Thái Lan là đủ tư cách không quan tâm đến kết quả bốc thăm bởi mặc nhiên người ta luôn xếp cho họ một chỗ trong… trận chung kết. 
2. Điều đáng chú ý duy nhất trong kết quả bốc thăm, đó là việc chúng ta nằm chung bảng với Thái Lan. 
Với những thông tin chúng tôi có được thì tại SEA Games 29 sắp đến, không có đội nào lại sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia như U22 Việt Nam. Căn cứ theo danh sách tập trung đội tuyển mới nhất thì hiện U22 Việt Nam có đến 12 cầu thủ khoác áo đội 1.
Tất nhiên là không phải ai cũng được đá chính ở đội tuyển, nhưng nếu bạn là phóng viên nước ngoài nhìn  vào danh sách ấy, hẳn sẽ có suy nghĩ: đội tuyển quốc gia Việt Nam đang đá SEA Games chứ không phải đội trẻ. Ứng cử viên số 1 là đây chứ đâu!
Quả là một tình huống hết sức nhạy cảm. Nó là “sản phẩm” của kiểu “trẻ hóa” đội tuyển quốc gia vô tội vạ của Việt Nam, nhưng vô tình gây ra một áp lực tâm lý không tốt cho các cầu thủ.
Với đội tuyển đó, nếu chúng ta thắng U22 Thái Lan thì chẳng nói làm gì, có khi còn đi thẳng đến trận chung kết. Nhưng nếu thua, chúng tôi tin rằng chưa cần đến hết vòng bảng, HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ nhận “gạch đá” đủ xây một… biệt phủ. Chưa đá, chúng ta đã thiệt thòi rất lớn về mặt tinh thần, phải chấp nhận đóng vai “cửa trên”.
3. Ngạn ngữ có câu “làm ly cà phê đắng thì phải mà uống hết”. Chúng ta vẫn quá thèm muốn chiếc HCV SEA Games. Chúng ta đã chọn con đường dùng một lứa cầu thủ cho mọi mặt trận thì phải nỗ lực để chứng minh đó là sự lựa chọn chính xác.
Và vì vậy, khái niệm bảng tử thần chỉ đúng với Indonesia, Philippines hay… Campuchia, chứ không phải với một đội bóng đang sở hữu phân nửa đội tuyển quốc gia và đã chơi bóng cùng nhau suốt 2 năm qua với gần 9 tháng tập huấn, thi đấu liên tục.

Tin cùng chuyên mục