1. Công ty VPF, nhà tổ chức và điều hành V-League vừa đưa vào thử nghiệm phát sóng trên kênh Youtube các trận đấu của V-League kể từ vòng 15 diễn ra hôm 11-7.
Về mặt kỹ thuật, điều này không có gì khó, bởi lâu nay người hâm mộ vẫn có thể xem các trận đấu V-League qua internet nhờ hệ thống trực tuyến của các nhà đài.
Nhưng việc các nhà tổ chức thực hiện công đoạn này lại là điều bất thường, thậm chí còn đi ngược với quy luật của bóng đá chuyên nghiệp, nơi mà người ta phải tìm cách ngăn chặn việc phát sóng trên mạng internet nhằm bảo vệ bản quyền truyền hình của các nhà đài vốn đang phải mua sóng của mình.

Từ vòng 15, các trận đấu của V-League sẽ được phát sóng trên kênh YouTube. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Sau khi đã miễn phí cho các đài để phát sóng V-League, nay lại tiếp tục gia tăng quá trình miễn phí đó trên mạng, rõ ràng việc khai thác bản quyền truyền hình đã đi vào ngõ cụt, không còn hy vọng sẽ kiếm được tiền từ truyền hình, dù đây lại là nguồn thu lớn nhất, là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của V-League.
Việc làm của các nhà tổ chức, thoạt tiên được cho là phục vụ cho người hâm mộ, tăng mức độ quảng bá V-League và nhất là giúp hình ảnh những nhà tài trợ quảng cáo được nhiều người tiếp cận hơn. Tuy nhiên, lợi bất cập hại. Thứ nhất, như đã nói, càng phát sóng miễn phí thì càng không có cơ hội kinh doanh bản quyền truyền hình. Thứ hai, khi các nhà đài chấp nhận bỏ chi phí để phát sóng những trận đấu V-League là vì họ muốn có người đăng ký xem đài của họ nhiều hơn (bao gồm việc xem trên internet) và đây là quyền lợi kinh doanh của các đài. Điều này tương tự như các cơ quan truyền thông cố gắng thông tin về V-League phục vụ độc giả. Việc VPF phát sóng miễn phí phần nào làm ảnh hưởng quyền lợi những đối tác truyền thông vốn bỏ tiền giúp họ có hình ảnh của các trận đấu.
2. Xét ở góc độ người hâm mộ. Nếu không có điều kiện đến sân xem trực tiếp thì họ sẽ cố gắng theo dõi đội bóng yêu thích của mình qua truyền hình. Từ đây nẩy ra nhu cầu của việc mua bản quyền truyền hình. Còn một khi đã không quan tâm, dù có phát sóng miễn phí, đưa hình ảnh lên internet thì cũng không xem. Cách làm của các nhà tổ chức xét cho cùng không đem lại ích lợi thiết thực cho chính V-League lẫn người hâm mộ.
Không ở đâu mà người hâm mộ lại được “phục vụ tận răng” như bóng đá Việt Nam. Đến sân có khi được vào miễn phí, hoặc giá vé rất rẻ. Ở nhà thì được xem truyền hình miễn phí. Chính những lý do này khiến cho hoạt động kinh doanh ở bóng đá nói riêng và thể thao nói chung tại Việt Nam không thể phát triển.
Và đây cũng là lý do mà các đội bóng hàng đầu thế giới không muốn đến Việt Nam du đấu, kể cả khi được trả tiền ra sân. Thực ra, họ không cần số tiền ấy, điều họ muốn là sau mỗi chuyến đi quảng bá ấy sẽ giúp tăng lượng cổ động viên “ruột”, tăng số lượng quần áo “chính hãng” được mua, các hãng sản xuất đồ thể thao tài trợ cho họ cũng bán thêm nhiều sản phẩm khác. Đó mới là lợi nhuận lâu dài, bền vững. Đằng này, tại Việt Nam, trong số 14 CLB V-League thì chỉ có 3 CLB là sử dụng đồ chính hãng quốc tế do một thương hiệu đến từ Italia tài trợ. Những đội còn lại, vẫn dùng quần áo không có thương hiệu, kể cả là nhà sản xuất trong nước.
Chính những đội bóng còn không quan tâm đến sản phẩm chính hãng thì làm sao có thể kinh doanh các vật phẩm liên quan, thu được tiền vé, kinh doanh được bản quyền truyền hình khi mà người hâm mộ có thể tìm thấy những điều này ở mọi nơi, hoàn toàn miễn phí.
ĐĂNG LINH
Các tin, bài viết khác
-
Hai đại diện TPHCM trước nguy cơ cùng đi dự “chung kết ngược”
-
Hà Nội quyết soán ngôi vô địch của TPHCM tại giải nữ Cúp quốc gia 2021
-
Các ĐTQG Việt Nam có nhà tài trợ di chuyển
-
HLV Kiatisak: ‘Tôi vẫn chưa nghĩ đến ngôi vô địch’
-
Tiến Linh tỏa sáng, Bình Dương trở lại tốp 5
-
CLB TPHCM thua trận trong ngày Lee Nguyễn bị phạt thẻ đỏ
-
Huế lập kỷ lục hoà tại Giải hạng Nhất 2021
-
5 điều đáng chú ý của vòng 10
-
Siêu phẩm của Xuân Trường giúp HA.GL đánh bại Hà Nội
-
Nam Định - TPHCM (18g, ngày 18-4): Khó cho thầy trò ông Polking