Trận thua Iraq đã chính thức khép lại hành trình của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á, đồng thời cũng kết thúc đợt tập trung đầu tiên của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng trong năm 2016 này.
"Triều đại" của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bắt đầu khá suôn sẻ với 1 trận thắng và 1 trận thua trong 2 trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam. Khoảng thời gian tập trung thi đấu 2 trận cuối cùng ở Vòng loại World Cup 2018 tuy ngắn, nhưng thật sự rất bổ ích với ông thầy xứ Nghệ.
Nếu xem 2 trận đấu vừa qua là "bản nháp" để HLV Nguyễn Hữu Thắng bắt tay vào xây dựng lối chơi, nhân sự cho đội tuyển thì trận đấu với Iraq chính là những nét phác thảo cuối cùng trên "bức tranh" mà tân HLV của đội tuyển Việt Nam cần.
Chiến thắng khá dễ dàng trước Đài Loan (TQ) đã không giúp cho HLV Nguyễn Hữu Thắng nhìn ra những hạn chế của các học trò. Tuy nhiên, sau trận đấu với Iraq, mọi thứ đã phơi bày.
Điểm sáng lớn nhất của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu trên sân Shahid Dastgerdi chính là tinh thần thi đấu quật cường của các tuyển thủ áo đỏ. Còn lại, rất nhiều thứ mà chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục, nếu muốn nhắm đến những mục tiêu xa hơn, mà trước mắt là AFF Cup vào cuối năm.

Điểm sáng của Việt Nam trong trận đấu Iraq chính là tinh thần thi đấu quật cường. Ảnh: T.L
Rất nhiều người đã đánh giá cao HLV Nguyễn Hữu Thắng ở đợt tập trung này, khi ông đã kết hợp khá hài hòa kinh nghiệm của những cựu binh như Công Vinh, Đình Luật, Thành Lương... với sức trẻ của Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... Thế nhưng, sau trận thua Iraq, không khó để nhận ra kinh nghiệm của các cựu binh vẫn chưa thể bù lấp sự non kém của các cầu thủ trẻ. Và ngược lại, sức trẻ của các tân binh vẫn chưa thể gồng gánh thay cho các đàn anh khi thể lực sa sút...
Nhìn vào những nét phác thảo mà đội tuyển Việt Nam đã "vẽ" nên sau 2 trận đấu vừa qua, có thể thấy các tuyển thủ của chúng ta thoải mái cầm bóng, thi triển lối chơi theo đúng ý đồ của HLV..., khi gặp đối thủ dưới cơ. Thế nhưng, khi đối đầu với đối thủ có đẳng cấp vượt trội, với thể hình, thể lực vượt trội như Iraq thì mọi thứ trở nên hết sức rối rắm.
Trước lối chơi áp sát, pressing toàn sân của Iraq, những Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Thành Lương... đã không thể cầm bóng để triển khai lối chơi nhanh, nhỏ, ít chạm... theo đúng ý đồ của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đơn giản là bởi lối chơi ấy chưa có thời gian để vận hành nhuần nhuyễn và quan trọng hơn, cầu thủ Việt Nam không có đủ thể lực để thi triển cách chơi ấy, trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn mình, như Iraq.
Giờ là lúc HLV Nguyễn Hữu Thắng và các cộng sự cũng như các bộ phận chức năng có liên quan của VFF cần phải ngồi lại với nhau, để nhìn lại những nét phác thảo sau 2 trận đã đấu, trước khi định hình bức tranh tổng thể cho đội tuyển bởi thời gian không còn quá nhiều.
Trong năm 2016, đội tuyển chỉ còn 1 đợt tập trung nữa, để chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm. Thế nên, các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng cần nhiều hơn nữa những cơ hội cọ xát, để lối chơi của đội tuyển thêm gắn kết, sự phối hợp giữa trẻ - già có được sự hài hòa.
HẢI NAM
Chuyên nghiệp từ mặt sân
Sau trận thua Iraq 0-1, HLV Hữu Thắng than phiền mặt sân xấu trên đất Iran đã ảnh hưởng nhiều đến cách chơi bóng nhỏ và sệt của các học trò. Tương tự, Iraq cũng nói gặp khó với mặt sân quá xấu của quốc gia đứng ra tổ chức trận đấu.
Cái này thì cũng đúng là nỗi lo của nhiều CLB dự V-League hiện đang chơi trên những sân bóng mà có người nói giống mặt ruộng. Bình luận về nó, chuyên gia Trần Duy Long đồng quan điểm: “Đội tuyển muốn cầu thủ đá nhanh, phối hợp nhỏ ngoài việc cân chỉnh lại nền bóng đá thì một yếu tố cực kỳ quan trọng là cải thiện các sân bóng ở V-League và hạng Nhất”.
Xem cách Thái Lan kết thúc Vòng loại World Cup 2018 với 4 thắng, 2 hòa, 0 bại bằng lối chơi đậm chất “Tiqui-Taka” nhiều người phải trố mắt vì kỹ thuật của cầu thủ Thái rất tốt, không như lâu nay ta vẫn thường ngộ nhận là mình giỏi. Dĩ nhiên là lối chơi đấy có được nhờ một phần lớn từ Thai-League. Đa phần đều thừa nhận kỹ thuật của cầu thủ trẻ Thái Lan được nâng lên mức khác so với quá khứ, ấy là nhờ được thi đấu trên những mặt sân đẹp - điều bắt buộc của các CLB dự Thai-League.

Ở CLB SCG Muangthong United, cầu thủ tập luyện trên sân đúng chuẩn của Ngoại hạng Anh. Ảnh: T.L
Nó khác với V-League, vấn đề sân bãi chưa chuẩn hóa. Trong khi Lao-League dẫu chưa bắt buộc cải thiện mặt cỏ nhưng đa phần các sân thi đấu đỉnh cao của nước này đều bắt chước nhiều sân của Thái khi nâng cấp mặt sân với cỏ chỉ thay vì cỏ lá gừng. Ngược lại, các sân ở V-League lại có mặt cỏ chất lượng kém mà các đội chỉ cần đá ít lượt đã lộ hết ra phần xấu xí.
Một số người lý giải việc trồng cỏ lá gừng do tốn ít công chăm sóc và đỡ tốn kém còn dùng cỏ chỉ chi phí lại cao. Về phần các đội hầu hết cũng không muốn tăng phần chi vào mặt sân mà chỉ thích chi vào khoản khác. Do vậy mà có cầu thủ than phiền đá bóng ở V-League bóng lăn chậm vốn đã quen nên khi lên tuyển rồi đi thi đấu ở khu vực phần nhiều các sân trồng cỏ chỉ, mặt cỏ mỏng hơn khiến bóng đi nhanh và trái bóng cũng khó bề điều khiển.
HLV Calisto từng đưa ra nhận xét: “Muốn chuyên nghiệp, phải chuyên nghiệp từ cái mặt sân nữa”. Thế thì cũng xin hỏi, chừng nào V-League mới chuẩn hóa mặt sân khi mà câu nói của ông thầy người Bồ đã được thốt ra từ lâu lắm?
ĐỨC DŨNG