Vì sao sân Qui Nhơn, Thiên Trường đông khán giả?

20.000 người đó là số khán giả đến sân xem trận đấu giữa Topenland Bình Định và Viettel ở vòng 9 vừa qua. Sau 3 trận đấu đầu tiên trên sân nhà ở V-League, sân Qui Nhơn đạt mức 48.000 lượt người đến sân.

Sân Quy Nhơn luôn đông đảo khán giả.
Sân Quy Nhơn luôn đông đảo khán giả.

Ai cũng biết Bình Định chỉ mới quay lại đá V-League sau 12 năm trời “vất vưỡng” ở các hạng đấu bên dưới. Thậm chí ở mùa giải 2014, họ còn bị đánh tụt hạng 3 khi không nộp đủ tiền để ký quỹ thi đấu giải hạng nhì. Chắc chắn là không CĐV nào của đội bóng đất Võ lại lạc quan cho rằng đội nhà có thể ngay lập tức trở thành một ứng cử viên vô địch. Ngược lại, họ chỉ hi vọng trụ được hạng mùa này. Thế nhưng, sân Qui Nhơn vẫn đông đến bất ngờ, điều đó cho thấy nhu cầu thực sự của khán giả là được đến sân xem bóng đá, không nhất thiết phải vì danh hiệu nào cả. Bởi nói cho cùng, trong lịch sử, bóng đá Bình Định cũng chưa từng lên ngôi số 1 quốc gia.

Để dễ hình dung mức độ hâm mộ bóng đá của người Bình Định, thì chúng ta biết rằng, mùa trước số lượng khán giả của CLB Sài Gòn là 23.000 người sau 7 trận trên sân Thống Nhất. Đấy là còn do Sài Gòn FC có một mùa giải thành công, tranh chấp chức vô địch đến tận vòng đấu áp chót, bởi ở mùa trước đó (2019), tổng lượng khán giả sân nhà của Sài Gòn FC là 48.000 lượt người sau 13 trận đấu. Như vậy, chỉ cần 2 trận đấu ở Qui Nhơ cũng bằng cả mùa tại sân Thống Nhất.

Vì sao sân Qui Nhơn, Thiên Trường đông khán giả? ảnh 1 Người hâm mộ Bình Định xếp hàng vào sân xem đội nhà thi đấu.
Tất nhiên Sài Gòn FC không phải là đội bóng mạnh duy nhất đang thất bại trong việc thuyết phục các CĐV tại địa phương mình. CLB TP.HCM được xem là có “gốc gác” ở thành phố, nhưng số lượng khán giả trong 3 mùa giải gần nhất, cũng chỉ đứng lưng chừng bảng xếp hạng về khán giả, trung bình mỗi trận chỉ thu hút được 6.000 người đến sân. Tương tự là Viettel, đội bóng vốn kế thừa truyền thống của Thể Công, cũng đang vất vả tìm chổ đứng trên khán đài.

Ở phía ngược lại, 4 mùa giải lên đá V-League của Nam Định là 4 mùa mà đội chủ sân Thiên Trường phải vật lộn trụ hạng đến tận những vòng đấu cuối cùng, thậm chí như mùa 2018, họ còn đi đá play-off. Nhưng sân Thiên Trường luôn đứng đầu về số lượng khán giả.

Ở mùa bóng 2019, dù suýt nữa phải bỏ giải vì không đủ tài chính, nhưng có đến 195.000 lượt khán giả đến sân Thiên Trường ủng hộ đội nhà, tức là bằng tổng lượng khán giả 5 mùa giải đá V-League của CLB Sài Gòn. Tại sao Nam Định đá thua nhiều hơn thắng, không làm truyền thông gì cả, cầu thủ thì chỉ biết tập rồi ra sân thi đấu, lại luôn gặp vấn đề với trọng tài, nhưng vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của khán giả, bao gồm cộng đồng của người Nam Định xa quê.

Vì sao sân Qui Nhơn, Thiên Trường đông khán giả? ảnh 2 Sân Thiên Trường luôn dẫn đầu về số lượng khán giả dự khán.
Những câu chuyện từ khán đài sân Qui Nhơn, sân Thiên Trường, Hà Tĩnh… chính là lời “nhắn gởi” cho những người làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Bóng đá ở cấp độ nào, cũng cần khán giả. Và nói cho cùng, bóng đá cũng chỉ là một trò chơi, nên điều khán giả quan tâm nhất vẫn là sự cống hiến trên sân cỏ.

Thành tích có thì quá tốt, không có thì cũng chẳng phải là vấn đề nghiêm trọng. Với những người hâm mộ địa phương, trăm lời hô hào đến sân cũng không bằng việc cầu thủ chơi thứ bóng đá mà khán giả mong muốn nhất. Cứ hỏi khán giả mình muốn gì, rồi đá như thế, có khi còn hiệu quả hơn những kế hoạch to lớn.

Tin cùng chuyên mục