Tuy “trăm hay không bằng tay quen” nhưng đừng tưởng càng chơi thể thao nhiều càng tốt. Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Thể dục thể thao ở Cologne, CHLB Đức: Không dưới 40% vận động viên nghiệp dư rơi vào tình trạng càng chơi lâu càng… dở; không dưới 30% fan của thể thao sớm trở thành khách hàng thân thiết của thầy thuốc ngay trong lúc còn trong độ tuổi thanh xuân. Lý do là vì ham chơi nhưng quên… ăn uống. Cụ thể hơn vì:
- Uống không đủ trước, trong lúc và sau khi ra sân: Vì 70% tổng lượng của cơ thể là nước nên người chơi thể thao vừa mau mệt, vừa thiếu thao tác hài hòa khi dẫn truyền thần kinh rối loạn vì thiếu nước và chất điện giải. Do đó, nên tiếp tế cho cơ thể bằng nước khoáng thiên nhiên, loại có nhiều Na, K, Mg, Ca, P... càng tốt, khoảng nửa giờ trước khi ra sân. Quan trọng hơn nữa là bổ sung nước trong lúc đang đổ mồ hôi, không cần nhiều hơn 100ml, nhưng đều đặn mỗi nửa giờ. Tuyệt đối đừng đợi khát mới uống. Quan trọng không kém là bổ sung lượng nước đã thất thoát qua mồ hôi nhễ nhại, qua hơi thở dồn dập trong vòng 1 giờ sau khi tập luyện. Tốt nhất là pha tối thiểu 500ml nước khoáng với nước trái cây - loại hạp khẩu vị, theo tỷ lệ 3 phần nước khoáng, 1 phần nước ép trái cây.

Cần bổ sung đủ lượng nước trong quá trình hoạt động đã mất đi.
- Không bổ sung sinh tố, khoáng tố và men cần thiết cho khả năng phối hợp của hệ vận động: Hễ vận động, cho dù chỉ là tập dưỡng sinh, thì cơ thể phải tiêu hao năng lượng, nghĩa là dùng nguồn dự trữ sinh tố, khoáng tố, cũng như phải huy động nhiều loại men cần thiết cho phản ứng sinh năng trong lúc chơi và trong giai đoạn phục hồi sau khi tập. Thay vì dùng thuốc đa sinh tố-khoáng tố để rồi cơ thể phải đối đầu với chất phụ gia, thói quen ăn trái cây, loại nào cũng được, ngay sau buổi tập là biện pháp đơn giản để giúp cơ thể giữ nét tươi mát. Khéo hơn nữa là chú trọng vào các loại trái cây chứa nhiều men chống mệt mỏi bắp thịt như chuối, thơm, đu đủ.
- Thiếu chất béo trước giờ tập luyện: Đúng là càng ăn ngọt càng dễ sinh năng lượng để ứng phó nhanh trong lúc thi đấu nhưng không hay. Đó là do chất đường chỉ là lửa rơm - bạo phát bạo tàn. Muốn đủ năng lượng để cầm cự đến phút cuối, cơ thể phải được chuẩn bị trước đó với khẩu phần có đủ chất béo vì đó là nguồn dự trữ năng lượng theo kiểu bền lâu.

Ăn đủ chất giúp cơ thể vận động tốt hơn.
- Thừa chất đạm sau buổi tập luyện: Đúng là cơ thể cần chất đạm cho phản ứng kiến tạo, nhưng sai ở điểm cơ thể không cần ngay vào ngày hôm đó. Thói quen ăn nhiều thịt, nhất là vì cảm giác bụng đói cồn cào sau giờ thao luyện, rất thường khi là một trong các lý do khiến “vận động viên” mỏi mệt, vọp bẻ... vào sáng hôm sau. Không lạ gì khi nhiều người càng chơi thể thao càng mau bị… bệnh gout!
- Thiếu chất đường cho tiến trình phục hồi: Cơ thể phải hết pin sau buổi thể dục thể thao, trừ khi vận động viên ra sân chỉ để làm... màu. Nếu sau đó người tập lại lao ngay vào công việc, tất nhiên khó khỏe vì cơ thể lấy đâu ra năng lượng để phục hồi. Đừng quên trong vòng một giờ sau khi rời sân là lúc phải ăn ngọt. Đừng lầm chất ngọt trong nếp sinh hoạt của người tập thể dục thể thao với bản tin tô màu xám về bệnh tiểu đường. Sức khỏe bao giờ cũng đồng nghĩa với quân bình cung cầu. Người chơi thể thao vì thế rất cần chất đường nếu muốn còn đường ăn thua.
Ăn chơi thường đi đôi. Muốn chơi cho hay mà không biết cách ăn tất nhiên khó lòng “chơi tới bến”!
Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng