Nếu các tay vợt Trung Quốc lại chiến thắng áp đảo tại giải vô địch bóng bàn cá nhân thế giới 2011 (từ ngày 8 đến 15-5 tại Rotterdam, Hà Lan) thì đấy cũng chẳng phải là chuyện lạ. Trận địa này có 5 nội dung (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam/nữ) thì cả 15 chiếc HCV ở 3 lần giải gần đây nhất (2 năm/lần) đều thuộc về các tay vợt Trung Quốc.
Xa hơn một tí, trong 40 chiếc HCV được trao ở 8 lần giải gần đây (1995-2009), các tay vợt Trung Quốc chiếm đến 38 danh hiệu vô địch. Ngoại lệ hiếm hoi là chức vô địch đơn nam 1997 của Jan-Ove Waldner (Thụy Điển) và chức vô địch đơn nam 2003 của Werner Schlager (Áo).
![]() |
ĐKVĐ đơn nam thế giới Wang Hao (Trung Quốc). |
Người ta nói rằng Trung Quốc thành công trong môn bóng bàn vì đấy đã là quốc sách của họ trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi phát động phong trào toàn dân tập bóng bàn trong thập niên 50. Bây giờ, bóng bàn là môn thể thao chính thức trong học đường ở Trung Quốc. Nhưng không thật sự thuyết phục khi chỉ dùng những lý do như vậy để giải thích vì sao Trung Quốc áp đảo đến mức tuyệt đối trong làng bóng bàn thế giới.
Ví dụ, không một quốc sách nào có thể làm cho Trung Quốc vươn lên số 1 thế giới trong môn bóng đá. Trung Quốc tuy đã trở thành cường quốc Olympic số 1 hiện nay, nhưng cũng chưa thể áp đảo tuyệt đối trong các môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, cũng chưa thật sự là cường quốc quần vợt như họ mong muốn.
Trở lại với môn bóng bàn, Trung Quốc áp đảo đến mức ngay cả các VĐV người Hoa khi chuyển sang khoác áo ĐTQG khác thì cũng lập tức trở thành cây vợt chủ lực, có thể dễ dàng đoạt chức vô địch ở quê hương mới của họ. Cũng cần lưu ý: chiến thắng trong môn bóng bàn luôn là chiến thắng gần như tuyệt đối về tính thuyết phục. Đây là một trong số ít môn thể thao mà người ta hầu như không thể cải thiện thành tích bằng con đường doping, cũng không quá phụ thuộc vào quyết định của trọng tài như môn bóng đá.
Ở mức độ vi mô, người dân Trung Quốc chơi và xem các trận bóng bàn “phong trào” một cách say mê còn hơn cả dân Brazil thích chơi bóng đá. Họ luôn hào hứng bàn chuyện bóng bàn, giống như dân Hà Lan (xứ thấp hơn mực nước biển) luôn có những câu chuyện kinh điển về việc bảo vệ đê điều vậy.
Còn tượng đài bóng bàn nữ Đặng Á Bình từng cho biết: Một năm có 365 ngày thì chị đã tập đến… 364 ngày. Đấy chỉ là một vài ví dụ cho thấy ngoài những chuyện như quốc sách, ngoại giao, bóng bàn Trung Quốc thành công còn vì dân Trung Quốc thật sự say mê và thích hợp với môn thể thao này.
Về mặt chuyên môn, kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất trong môn bóng bàn. Để điều khiển quả bóng bàn chỉ nặng đúng 2,7g, với độ xoáy có thể lên đến 150 vòng/giây, tốc độ đạt đến 175 km/giờ, chỉ có một con đường duy nhất là tập càng nhiều càng tốt.
Tập đến 364/365 ngày trong một năm như Đặng Á Bình, lặp đi lặp lại hàng ngàn lần đối với một động tác duy nhất thì phải đam mê và kiên nhẫn đến tột cùng mới làm được. Thể hình của người Trung Quốc (Đông Á nói chung) cũng rất thích hợp với các động tác kỹ thuật của môn bóng bàn.
Người phương Tây chỉ thoạt nhìn đã thấy khó khăn khi phải dùng động tác chặn, đẩy để khống chế đường bóng đánh vào bụng hoặc nách, cũng khó ôm bàn tấn công hoặc thường lủng củng với những động tác xử lý bóng trong bàn. Ít ra, đấy là về mặt lý thuyết. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế nhìn vào đâu cũng thấy đầy đủ lý do để Trung Quốc thống trị môn bóng bàn.
KINH THI
Các tin, bài viết khác
-
Trần Thị Thanh Thuý bỏ ngỏ khả năng dự giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2022
-
Hai golf thủ Thảo My, Bảo Nghi đứng trước cơ hội đấu với cựu số 1 thế giới
-
De Bruyne đưa ra “cảnh báo” đầu tiên
-
Các VĐV karate trẻ mạnh nhất tranh tài tại giải quốc gia
-
Cờ vua nữ Việt Nam thua Philippines tại ván áp chót Olympiad
-
Marianne Vos bị tước chiến thắng vì “bàn chân chó con”
-
RPL sau 4 vòng đầu tiên: Spartak Moscow của Guillermo Abascal lên đỉnh BXH, Zenit Saint Petersburg văng khỏi tốp 3
-
Chủ tịch CLB TPHCM Nguyễn Hữu Thắng trở lại ghế HLV sau 5 năm
-
Các học viên nô nức về dự lễ khai giảng khóa 3 Học viện Nutifood JMG
-
Ai sẽ là chuyền 2 chính của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam?