Hàng chục câu hỏi được giới truyền thông đặt ra về trách nhiệm của VFF trong thất bại của đội tuyển tại AFF Cup 2012 vẫn không được giải đáp một cách rõ ràng.
Thi nhau đổ lỗi
HLV Phan Thanh Hùng đã nhận toàn bộ trách nhiệm và khẳng định, đội tuyển thất bại hoàn toàn về chuyên môn, không có chuyện bất ổn nội bộ. Điều đó khiến giới truyền thông đặt vấn đề về trách nhiệm của VFF khi để một mình ông Hùng gánh chịu. Tuy nhiên, thay vì giải đáp, lãnh đạo VFF lại “chuyển hướng” nhắc lại thất bại tại AFF Cup 2012 có phần “của một số cầu thủ mắc bệnh ngôi sao” và tuyên bố sẽ vĩnh viễn không gọi các cầu thủ này lên tuyển. Nói cách khác, VFF lại tiếp tục quy trách nhiệm cá nhân cho cầu thủ thay vì xem xét quá trình tuyển chọn, tập trung và chuẩn bị cho đội tuyển.
![]() |
Các quan chức VFF trả lời chất vấn. Ảnh: NG.NGUYỄN |
Chưa hết, đại diện của Hội đồng HLV, ông Nguyễn Sỹ Hiển còn nhấn mạnh kế hoạch tập luyện của đội tuyển không tốt, sai điểm rơi, phương pháp không hợp lý. Tuy nhiên, lý giải của ông Hiển bị ngay chính một số thành viên của Hội đồng HLV phản đối. Nguyên Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 5, chuyên gia Lê Thế Thọ nói thẳng: “Anh Hiển phát biểu mang tính cá nhân chứ cả hội đồng đâu có được tham gia vào quy trình huấn luyện. Chúng tôi không được mời để giám sát đội tuyển thì không thể nhắm mắt mà đánh giá bừa bãi được”.
VFF nên trả về cho xã hội
Nguyên trưởng ban thông tin tuyên truyền nhiệm kỳ 5, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải nói thẳng: “Cái sai lớn nhất của VFF chính là đánh mất tính nghề nghiệp của một tổ chức xã hội”, từ đó dẫn đến BCH VFF nhiệm kỳ 6 quá yếu về chuyên môn. Ông Hải khẳng định: “4/5 lãnh đạo VFF hiện nay nên xin nghỉ bởi họ không giỏi chuyên môn bóng đá. Không thể lãnh đạo bóng đá nếu không có đủ uy tín và sự am hiểu”.
Cũng theo ông Hải, thất bại tại AFF Cup 2012 chỉ là hậu quả của một quá trình sa sút ghê gớm về chuyên môn của bóng đá nội địa. Cầu thủ không được đào tạo bài bản. Các CLB không được vận hành theo tiêu chí chuyên môn mà tính trên giá trị tiền bạc thì đương nhiên không thể có một giải vô địch quốc gia mạnh và từ đó, không thể có một đội tuyển mạnh.
Trên thực tế, trong các vị trí chủ chốt của VFF, chỉ có Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn được xem là “dân bóng đá” nhưng ông này lại bận việc tại Công ty VPF với vai trò Tổng giám đốc. Trong 23 thành viên của BCH VFF, chỉ có 4 người nguyên là cầu thủ. Cũng trong BCH, chỉ có ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch, là có vị trí tốt trong xã hội (Chủ tịch Ngân hàng Eximbank), số còn lại hầu như chỉ là “làm công, ăn lương” tại các CLB trong khi Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, đã về hưu 3 năm trước. Chính vì vậy, sau khi bổ sung Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT ông Phạm Văn Tuấn vào vị trí phó chủ tịch chuyên môn mới đây, người ta càng lo ngại VFF dần trở thành “cánh tay nối dài” của tổng cục và triệt tiêu toàn bộ tính xã hội - nghề nghiệp của nó.
VIỆT QUANG
| |
Các tin, bài viết khác
-
CLB Viettel – Hougang United: Tranh chấp ngôi đầu (17g, ngày 30-6, VTV6 THTT)
-
U19 Việt Nam mất gần 1 ngày di chuyển sang Indonesia tham dự giải Đông Nam Á
-
Đội tuyển nữ Việt Nam đến Orleans, chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Pháp
-
Bước chân nhỏ, hành trình lớn
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022
-
Quang Hải, ngôi sao làm thay đổi suy nghĩ về chuyện xuất ngoại
-
HLV Mai Đức Chung chốt danh sách tham dự AFF Cup nữ 2022
-
Viettel FC tiến gần tấm vé đi tiếp ở AFC Cup 2022
-
Pau - đội bóng mới nổi ở Ligue 2