VFF - Lối cũ ta về

Sau khi Thứ trưởng Lê Khánh Hải được Bộ VH-TT-DL giới thiệu ứng cử vào chức danh Chủ tịch VFF, ứng cử viên còn lại là ông Nguyễn Công Khế cũng rút lui. Điều này đồng nghĩa ông Lê Khánh Hải có đến 90% trở thành tân Chủ tịch VFF.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải.Ảnh: Bộ VHTTDL
Thứ trưởng Lê Khánh Hải.Ảnh: Bộ VHTTDL

Thực ra đây không phải là chuyện quá bất ngờ. Từ khóa 4 đến nay, chức danh chủ tịch chỉ có một ứng cử viên trước khi bầu cử và đương nhiên thắng cử. 

Nguyên nhân cũng khá đơn giản. So với các vị trí khác thì Chủ tịch VFF phải hội đủ nhiều điều kiện trước khi tiến hành đại hội. Đây là quy định dành cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp, thế nên khi chưa tìm được một ứng cử viên đủ điều kiện thì đại hội của VFF phải hoãn lại nhiều lần để tìm cho ra.

Ví dụ như ở các vị trí khác, chỉ cần có thành viên của VFF đề cử thì sẽ đủ điều kiện, nhưng ở chức danh chủ tịch thì phải có thêm sự đồng ý của các cơ quan quản lý ứng cử viên đó. Hồi Đại hội khóa 7, ứng cử viên Lê Hùng Dũng suýt nữa không thể tranh cử nếu không được TPHCM đồng ý dù Eximbank do ông làm chủ tịch đã tán thành. Hoặc như ở nhiệm kỳ 4, ông Hồ Đức Việt chỉ làm Chủ tịch VFF có 2 năm, sau đó vì có sự thay đổi cơ quan làm việc nên phải rút lui do các yêu cầu của cơ quan mới.

Điều đáng chú ý ở kỳ bầu cử VFF lần này, là sự trở lại của những ứng viên đến từ cơ quan quản lý nhà nước thay vì các thành phần xã hội. Ngoài Thứ trưởng Lê Khánh Hải, chức danh Phó chủ tịch vẫn sẽ là ông Trần Quốc Tuấn, người mang hàm Vụ trưởng. Vị trí phó chủ tịch truyền thông cũng tương tự… Như vậy, sau 7 nhiệm kỳ, thì chỉ mới có đúng 1 lần, chủ tịch VFF là doanh nhân. Đây là lý do mà nhiều người cho rằng, VFF khóa mới sẽ là “bình mới, rượu cũ”.

Nhưng đúng là không thể làm khác được. Dù ban đầu có đến 4 ứng cử viên thì cũng chỉ có ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên là “người ngoại đạo”. Qua một quá trình, cũng chẳng có thêm ai ngoài ông Khế. Nhiều đề cử dành cho ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, nhưng ông đã từ chối. Sự thiếu hụt các ứng cử viên ngoài xã hội buộc cơ quan quản lý nhà nước phải đề cử “người nhà”. 

Những chủ tịch đến từ cơ quan nhà nước không phải là giải pháp quá tệ, tuy nhiên, điều đáng lo lắng chính là sự sụt giảm báo động các nguồn lực xã hội tham gia vào bóng đá Việt Nam. Nếu tâm lý ngại ngần này vẫn được giữ nguyên thì bóng đá Việt Nam khó lòng phát triển khi mà nó đi ngược với chiến lược xã hội hóa thể thao mới chớm nở thời gian gần đây.

Tin cùng chuyên mục