Hết việc các trọng tài, giám sát than phiền về chuyện chưa nhận được tiền dù đã làm 2-3 trận đấu thì Công ty VPF lại vừa bị chính LĐBĐ Việt Nam (VFF) phủ nhận quyền đại diện hợp pháp để điều hành các giải đấu nội địa. Khi chưa giành “chiến thắng” trong “cuộc chiến truyền hình”, VPF lại có nguy cơ bị vô hiệu hóa.
Nhiều điểm bất hợp lý
Một trong những nguyên nhân khiến VPF chưa chuyển tiền cho trọng tài, giám sát là do một số khâu về kế toán, tài chính vẫn chưa hoàn thành việc chuyển giao từ VFF. Nói đúng hơn, tài khoản của VPF chưa có tiền. Rõ ràng, quá trình ra đời của VPF không có sự chuẩn bị thấu đáo. Nói như người xưa, chưa “tề gia” thì khó mà “trị quốc”. Bởi lẽ cho đến nay, cái VPF đang “nổi” nhất lại là chuyện bản quyền truyền hình, khâu có thể thong thả mà giải quyết. Có ý kiến cho rằng, không khéo VPF sẽ tự trói tay mình với bộ máy tổ chức có không ít điểm bất hợp lý.
Tiêu biểu nhất là cơ cấu của công ty lại do chính những người “bị quản lý” đóng góp cổ phần. Kiểu tổ chức này rất dễ nảy sinh mâu thuẫn bởi thiếu một “lớp trung lập”. Hơn nữa, đứng ở góc độ pháp lý thì hoạt động của công ty dễ bị vô hiệu, nhất là các cổ đông của VPF có những mục đích nhiều khi hoàn toàn khác nhau.
Kế đến là vấn đề tài chính. Hội đồng quản trị mà đại diện là “bầu” Kiên tuyên bố sẽ không làm “âm” vốn điều lệ nhưng lại chẳng chứng minh làm thế nào để đủ doanh thu hoạt động, nói gì đến chuyện có lãi. Đấy là chưa nói, VPF phải bảo đảm không được đụng đến phần góp vốn của VFF, đồng thời phải “chu cấp” thêm cho VFF ngân sách đào tạo trẻ. Phải chăng vì vậy mà VPF căng thẳng chuyện bản quyền truyền hình hòng có thêm tiền từ đối tác khác để trang trải hoạt động.
Sự thật là cho đến nay, ngay từ các CLB đã không đủ khả năng cân đối ngân sách hoạt động, thì làm sao VPF lại làm nổi điều đó nếu họ không chứng minh khả năng tạo thêm vài sản phẩm khác để bán thương quyền ngoài tài trợ và truyền hình. Cũng xin nhớ là mọi chi phí hoạt động luôn tăng, còn các nguồn thu tài trợ, truyền hình vẫn có thể giảm. Trong trường hợp này, không lẽ các ông “bầu” sáng lập VPF sẽ bỏ tiền túi? Việc ấy đơn giản nhưng về mặt pháp lý là không được.
Cuối cùng là vấn đề nhân sự. Hiện nay, toàn bộ khâu tổ chức đều tận dụng từ nguồn nhân sự cũ của VFF. Những vị trí lãnh đạo ở bộ phận điều hành đều cũng chỉ mới có chức danh, chưa thật sự có trách nhiệm cụ thể. Có vẻ như VPF cố “gọt chân cho vừa giày” chứ hoàn toàn chưa có có cách “thửa” cho mình một đôi giày mới, có khả năng bước vững, bước dài trên con đường bóng đá Việt Nam.
VFF phủ nhận VPF hay chính mình?
Bằng văn bản mới nhất, VFF cho biết VPF vẫn chưa hoàn thành đủ các điều kiện để được ủy quyền hoàn toàn điều hành 4 giải đấu tại Việt Nam. Ai cũng biết, đây là động thái nhằm khiến VPF không có quyền để can thiệp vào hợp đồng AVG-VFF. Tuy nhiên, chính vì vậy người ta mới lại càng cảm thấy… bất ngờ với VFF bởi chính họ đồng ý cho VPF ra đời, lại cử đại diện tham gia vào HĐQT, lại chiếm cổ phần lớn nhất, chưa nói ông Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn lại là Tổng giám đốc của VPF.
Như vậy, lẽ ra các việc công nhận tư cách thành viên cũng như hoàn thiện các văn bản ủy quyền phải do VFF chủ động thúc đẩy nhanh mới đúng. Hơn nữa, nếu chưa công nhận VPF là đại diện của mình, tại sao VFF lại “liều lĩnh” để cho VPF điều hành các giải đấu đến nay đã gần 1 tháng.
Như vậy, với việc phủ nhận VPF, chính VFF lại mắc sai sót nghiêm trọng trong công tác quản lý cũng như thái độ thiếu thiện chí giúp đỡ một thành viên lẽ ra lại đang giúp cho mình nhiều việc nặng nề nhất. Cái sai của VPF nếu có chỉ là “quá hăng say công việc” mà chưa kịp hoàn tất một số thủ tục mà thôi.
ĐĂNG LINH
| |
Các tin, bài viết khác
-
FIFA ấn định thời gian và địa điểm bốc thăm chia bảng VCK World Cup nữ 2023
-
Việt Nam đăng cai vòng loại bảng U17 châu Á 2023
-
Đội tuyển Việt Nam sẽ so tài cùng đội Afghanistan tại TPHCM
-
Quang Hải vào “khoác áo” CLB Cần Thơ
-
Xứng danh Quả bóng Vàng Việt Nam
-
AMY CUP: Xăng dầu Phước Hưng đăng quang vô địch, khép lại giải đấu đầy sôi động và thành công
-
HAGL chia tay AFC Champions League 2022 bằng chiến thắng
-
Futsal nữ Việt Nam kết thúc tập huấn nước ngoài, gia nhập ‘làng’ SEA Games 31
-
Đội Olympic Việt Nam sẽ dự phòng cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31
-
AMY CUP: 2 trận BK kịch tính phải đá 11m luân lưu, Xăng dầu Phước Hưng tái chiến Nghĩa Tình - Kim Ngân ở CK