Câu chuyện thể thao

Vẫn xây nhà từ nóc

Vẫn xây nhà từ nóc

1.Lê Quang Liêm may mắn có sự đùm bọc đầy hiểu biết, chu đáo và yêu thương từ gia đình. Nói về chiến thắng của Liêm ở giải Aeroflot 2010, HLV Lâm Minh Châu nhận định: “Tôi may mắn có học trò xuất sắc. Tôi góp phần phát hiện và đào tạo ban đầu, chứ gia đình Liêm có vai trò đáng kể để Liêm bước vào đỉnh cao cờ quốc tế”.

Năm 2005, Liêm dự giải Aeroflot mở rộng lần đầu tiên do gia đình tự túc toàn bộ kinh phí. Để tham gia các giải mở rộng hoặc tập huấn nước ngoài là phải đóng tiền trước rất lâu, ví dụ chuyến tập huấn Hungary năm 2006 phải đóng lệ phí ban đầu trước khi lên đường khoảng 4 tháng; giải Aeroflot mở rộng phải đóng tiền trước 3 tháng nên gia đình luôn tạm ứng chi phí cho Liêm.

Việc liên hệ với đối tác nước ngoài cũng do gia đình xúc tiến bước đầu, như việc tìm “thầy ngoại” cho Liêm trước nay cũng do gia đình tự mày mò rồi gắn kết với bộ môn và BHL cờ TPHCM đề xuất đến lãnh đạo ngành TDTT TPHCM. Thậm chí, năm 2007, gia đình chỉ có thể tìm được thầy ngoại dạy cờ online với học phí 50 EUR/giờ, ngành TDTT TPHCM lại không có chế độ thanh toán cho việc học qua mạng nên gia đình lại “bao sân” cho Liêm khoản học phí 3.600 EUR này.

Đại KTQT Lê Quang Liêm. Ảnh: Dũng Phương

Đại KTQT Lê Quang Liêm. Ảnh: Dũng Phương

2.Một tạp chí cờ của Đức rất quan tâm Liêm được ngành TDTT bảo trợ như thế nào, vì phóng viên của tạp chí này từng làm việc ở Việt Nam 2 năm và hiểu các kỳ thủ Việt Nam không dễ gì tìm được tài trợ.

Quang Liêm giờ xem như tài sản quốc gia, cùng Nguyễn Ngọc Trường Sơn giữ vai trò chủ lực bàn 1, 2 để tuyển nam Việt Nam “chinh chiến” tất cả giải quốc tế quan trọng… Nhưng không ai ngờ từ năm 2007 đến nay, ngành TDTT TPHCM thường xuyên chi kinh phí cho Liêm và HLV Lâm Minh Châu thi đấu các giải cá nhân, bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư tiền thuê thầy ngoại (đại KTQT Evgeny Bareev dạy Liêm 6 tuần với học phí 10.000 USD), và bây giờ Liêm học với đại KTQT Alexander Khalifman tại St Peterburg với học phí không thấp hơn với Bareev, chưa kể tiền ăn ở.

Sự quan tâm của Tổng cục TDTT gói gọn là gọi tập huấn ĐTQG và thi đấu các giải đồng đội, các đại hội thể thao khu vực, châu lục. Liêm không phải trường hợp duy nhất chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Việc Trường Sơn đồng điểm và cùng Liêm tạm dẫn đầu giải Aeroflot sau ván áp cuối cho thấy Sơn cũng có khả năng vươn xa. Tiếc rằng, về khách quan,  Sơn không có điểm tựa gia đình và đơn vị chủ quản (ngành TDTT Kiên Giang) như Liêm trong lúc bộ môn cờ (Tổng cục TDTT) thì vẫn loay hoay với nỗi khổ thiếu kinh phí.

3.Từ năm 2003-2008, Liêm không hề được chuyên gia nào huấn luyện, cả ở trường Nghiệp vụ TDTT TPHCM lẫn Trung Tâm HLQG TPHCM. Việc tự nghiên cứu của Liêm rất đáng khen nhưng không thể xem là biện pháp để chinh phục đỉnh cao cờ vua chuyên nghiệp.

Sự đầu tư bước đầu của ngành TDTT TPHCM khi mời chuyên gia Bareev hay cho học chuyên gia Khalifman là thuận lợi đã và tiếp tục đem đến thành quả tốt cho Liêm. Nhưng ngay sau khi Liêm vô địch Aeroflot, HLV Lâm Minh Châu vẫn lặp lại điều mà ông từng tâm sự sau khi Liêm đoạt chức vô địch U.14 TG năm 2005: “Tôi không đủ khả năng huấn luyện nâng cao cho kỳ thủ này nữa mà chỉ ở phía sau hỗ trợ thêm. Quan trọng và tốn tiền hơn là chọn chuyên gia để giúp Liêm xác định đúng mục tiêu và cái cần bổ sung, tạm hiểu như trường hợp ông Bareev từng làm việc trong đội ngũ phụ tá cho Kramnik vô địch thế giới với lương cứng hàng tháng và % tiền thưởng được hưởng sau khi vô địch”.

Thường nghe các chuyên gia nước ngoài than thở thể thao Việt Nam “xây nhà từ nóc” bởi cách làm hớt ngọn, chạy theo thành tích trước mắt. Với cách làm này, những tài năng như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn hẳn phải mai một dần năng lực mà lẽ ra họ có thể phát huy đầy đủ hơn?

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục