Vẫn là bài học Thái Lan

King’s Cup 2019 được nước chủ nhà Thái Lan tổ chức có chủ đích rất rõ ràng chứ không đơn thuần là giao hữu, cọ xát như trước đây. Khách mời Ấn Độ là đội đã từng thắng Thái Lan 4-1 tại Asian Cup hồi đầu năm. Việt Nam là đội đương kim vô địch Đông Nam Á, “đối thủ hụt” của người Thái ở AFF Cup 2018.

Rõ ràng Thái Lan muốn dùng King’s Cup 2019 để kiểm tra năng lực của mình. Và việc để thua cả Việt Nam lẫn Ấn Độ đã cho người Thái câu trả lời: Họ thật sự xuống dốc. Những thất bại ở AFF Cup và Asian Cup trước đó chắc chắn không hề là tai nạn. 

Trong thời gian đội tuyển quốc gia đá King’s Cup thì đội U23 của Thái Lan cũng tham dự giải đấu giao hữu Merlion ở Singapore và cũng để thua đội chủ nhà trong trận chung kết.

Từ trước đến nay, Singapore chưa bao giờ mạnh ở lứa trẻ nhưng lần này, họ vẫn đánh bại Thái Lan. Điều này cho thấy thất bại 0-4 ở vòng loại U23 châu Á trước Việt Nam hoàn toàn phản ảnh đúng thực trạng của bóng đá Thái Lan hiện nay.

Trên thực tế, ở các giải U16, U19 và U22 Đông Nam Á gần nhất, Thái Lan đều không giành được chức vô địch. Những dấu hiệu sa sút của họ đã có từ năm 2015 đến nay. Đó là thời điểm mà bóng đá trẻ của Việt Nam, Myanmar và Indonesia có những chuyển biến tích cực.

Trong quãng thời gian đó, Thái Lan vẫn duy trì được sức mạnh tại sân chơi SEA Games, có vẻ vì vậy mà họ không chú ý đến sự vươn lên của những quốc gia trong khu vực. Và cũng có thể vì lý do này mà Thái Lan nghĩ rằng những thất bại ở AFF Cup, Asian Cup… chỉ là nhất thời, nên mới dùng King’s Cup như bài test cho mình.

Nếu người Thái đã có câu trả lời thì với bóng đá Việt Nam, đó cũng là một bài học cần lưu ý. Một nền bóng đá đã thắng 3 kỳ SEA Games, 2 kỳ AFF Cup từ 2014 đến 2017 như Thái Lan vẫn có thể tuột dốc chỉ trong một thời gian ngắn nếu như chểnh mảng trong việc xây dựng đội ngủ kế thừa.

Thái Lan đã từng rơi vào một chu kỳ thất bại cách đây đúng 10 năm, mất đến gần 4 năm trắng tay gần như trên mọi đấu trường từ 2009-2012 mới có thể trở lại. Rồi chỉ hơn 5 năm sau, họ có thể lại rơi vào chu kỳ giậm chân thứ 2. Đây là một quãng thời gian tương ứng cho việc phát triển một thế hệ cầu thủ trẻ mới.

Như vậy, vấn đề của người Thái có lẽ nằm ở chất lượng đào tạo trẻ của họ trong bối cảnh mà Thai-League đang ưu tiên nhiều hơn cho cầu thủ ngoại. 

Phong độ của đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup 2019 cho thấy đội bóng của HLV Park Hang-seo đang ổn định. Nếu thắng luôn HCV SEA Games 30 vào cuối năm, coi như đã đạt đến sự cực thịnh của một chu kỳ thành công.

Tuy nhiên, cũng đã có một vài dấu hiệu không ổn ở các tuyến U16, U19 trong 2-3 năm qua do nguồn cầu thủ đào tạo không còn giữ được chất lượng như những khóa đầu của các “lò” HA.GL, PVF, Hà Nội hay Viettel. Các giải U16 năm 2018 và U19 Đông Nam Á các năm 2017, 2018 chúng ta đều không vào đến bán kết.

Ngoài ra, sự thiếu hụt sân chơi cho các cầu thủ trẻ ở cấp độ CLB cũng là điều mà những nhà quản lý VFF phải tính toán trong bối cảnh V-League đang mở rộng thêm cửa cho ngoại binh.

Tiền nhân có câu “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Nhìn thất bại của bóng đá Thái Lan không nên thấy vui mà nên xem đó là bài học cho riêng mình.

Tin cùng chuyên mục