1. Trong buổi họp báo trước giải U.19 Đông Nam Á mở rộng, trước câu hỏi làm thế nào để đương đầu với các áp lực của giới truyền thông cũng như sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ, đội trưởng Công Phượng của U.19 Việt Nam tự tin nói: “Chúng em được học văn hóa tốt nên không sợ bị sa ngã”.
Câu trả lời đó xứng đáng được điểm 10, bởi điều đó đã được chứng minh trên sân cỏ. Các cầu thủ U.19 Việt Nam trước khi ra sân đều biết rất rõ mình phải làm gì khi gặp đối phương đá rắn, chơi tiểu xảo. Họ không được phép phản ứng lại bằng hành vi tương tự mà phải tìm cách vượt qua bằng năng lực thi đấu của mình. Thay vì tranh cãi với đối phương hay trọng tài, thời gian đó dùng để triển khai bóng nhanh hơn, phối hợp nhuần nhuyễn hơn để đối thủ không thể phạm lỗi thô bạo. Trong bóng đá, đó là làm sao để buộc đối thủ phải chơi theo cách của mình chứ không bị cuốn theo.
Chúng tôi gọi đấy là “Văn hóa U.19”, một quan điểm mới có tính đột phá đối với bóng đá Việt Nam.

Lối chơi cống hiến của các cầu thủ U.19 Việt Nam đã tái tạo niềm tin cho người hâm mộ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
2. Trận thắng trước U.19 Australia một lần nữa đã chứng minh điều đó. Trước một đối thủ có kinh nghiệm thi đấu tốt hơn khi đã được trui rèn trong môi trường chuyên nghiệp từ sớm, đội tuyển U.19 Việt Nam vẫn bình tĩnh giữ được thế trận cho mình trong hiệp 1 và áp đặt lối chơi lên đối thủ trong suốt hiệp 2. Họ làm phá sản chiến thuật pressing của U.19 Australia bằng các pha phối hợp nhanh, sắc sảo trước khi Công Phượng có màn solo ngoạn mục để ghi bàn duy nhất, kết thúc cuộc trình diễn “trên cơ” đội khách.
Như chúng tôi đã có lần nhận xét, kể từ năm 2008 đến nay, đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có một đội tuyển đủ sức mạnh để chơi theo ý mình và áp đặt được thế trận lên các đối thủ được đánh giá cao hơn. Muốn làm được điều đó, trước hết phải nhờ kỹ thuật cá nhân được đào tạo căn cơ của những cầu thủ nòng cốt từ Học viện HAGL. Kế đến, quan trọng hơn cả, chính là thái độ thi đấu chủ động, muốn đá đẹp hơn, chiến thắng bằng cách thuyết phục hơn.
3. Đội U.19 Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường thử thách trước mắt, nhất là khi họ bước vào môi trường thi đấu ở Việt Nam vốn nặng tính nghiệp dư trong vỏ bọc chuyên nghiệp. Như người ta hay nói, để trở thành một cầu thủ đá bóng giỏi không khó nhưng để trở thành một con người tốt trong bóng đá thì chẳng dễ chút nào. Bóng đá Việt Nam đã thấm đẫm bài học về thế hệ cầu thủ 2003 lụi tàn vì tiêu cực và hàng loạt tuyển thủ quốc gia trẻ dính những vụ án bán độ mới đây. Nó cho thấy không thể “ném” các tài năng vào môi trường đầy cạm bẫy như V-League nếu không trang bị cho họ kiến thức văn hóa để tự ứng xử với thực tế khắc nghiệt.
U.19 Việt Nam đã tái tạo lại niềm tin của người hâm mộ đối với bóng đá Việt Nam bằng lối chơi và quan điểm thi đấu cống hiến. Họ cũng được hy vọng sẽ tạo ra một tương lai mới cho làng cầu nội địa bằng một nét văn hóa mới được bồi đắp và ủng hộ từ chính những người yêu bóng đá chân chính đã sẵn sàng đội mưa, đội nắng mua vé đến sân để cổ cũ cho họ.
ĐĂNG LINH