Bóng đá là môn thể thao đối kháng, nên không tránh khỏi những va chạm, thậm chí dẫn đến những xung đột không cần thiết. Đó cũng là lý do vì sao người ta luôn đặt văn hóa bóng đá, cách cư xử của các cầu thủ trên sân cỏ, của ban huấn luyện lên hàng đầu.
Lấy thí dụ gần nhất, trong trận đấu ở vòng 28, giữa Bolton và Queens Park Rangers tranh suất trụ hạng vô cùng cam go. Cầu thủ khách QPR đã sút bóng qua vạch cầu môn hơn 1 mét, nhưng trọng tài chính lẫn trợ lý trọng tài vẫn khoát tay cho trận đấu tiếp tục, không công nhận bàn thắng. Cầu thủ QPR phản ứng quyết liệt, nhưng cũng không làm thay đổi được quyết định của trọng tài. Cuối cùng, họ đành phải tiếp tục trận đấu chỉ sau vài mươi giây phản đối… (chung cuộc, vì mất thắng pha bóng này, nên QPR thua Bolton 1-2).
Rồi mới đây, trận đấu ở vòng 32 giữa Chelsea và Wigan. Chủ nhà đang quyết tâm giành trọn 3 điểm, để đạt mục tiêu lọt vào Top 4, giành vé tham dự Champions League mùa tới, còn Wigan đang ngụp lặn ở vị trí áp chót (hạng 19), trong cuộc đua giành suất trụ hạng, nên dù chơi trên sân đối phương vẫn quyết giành 3 điểm.
Trận đấu gay cấn, quyết liệt từ đầu trận, đặc biệt vào hiệp hai, khi trọng tài “tặng” cho đội chủ nhà một bàn thắng (phút 63 của hậu vệ Ivanovic), trong tình huống có đến 3 cầu thủ Chelsea bị việt vị 100%. Băng ghi hình chiếu lại pha bóng đó thấy rất rõ. Cầu thủ khách lần này phản ứng dữ dội hơn, vây lấy trọng tài chính để phản đối ít phút, nhưng sau đó trận đấu vẫn trở lại bình thường.
Không phải đơn giản bóng đá Anh làm được những điều đó. Nó phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức, văn hóa lâu đời, có truyền thống. Bên cạnh đó, các hình thức, biện pháp xử phạt rất nặng vừa mang tính răn đe, vừa mạnh tay loại bỏ những phản ứng tiêu cực, những hành vi xấu trên sân bóng.
Cả hai tình huống nêu trên, nếu xảy ra tại các giải bóng đá Việt Nam thì chắc chắn các trọng tài sẽ nhận được những phản ứng dữ dội hơn gấp bội, vượt ra khỏi khuôn khổ của văn hóa bóng đá như chỉ thẳng vào mặt trọng tài chửi bới, xỉ vả, thậm chí còn có màn huấn luyện viên, ông bầu lao xuống sân đòi chơi tay đôi với trọng tài.
Những hình ảnh này diễn ra ở mỗi vòng đấu, mỗi trận đấu khi có gay cấn và nói chung là diễn ra thường xuyên. Nó đã vẽ lên bức tranh kém văn hóa nơi nền bóng đá Việt Nam, thậm chí có người còn nói “muốn tránh thói hư, tật xấu thì đừng mang con cái đến sân bóng ở Việt Nam”.
Một số người học chỉ đến lớp 7, lớp 8, nhưng trong túi có nhiều tiền, nên nhảy ra mua đội bóng, làm “ông bầu” nên trình độ văn hóa, cách cư xử, nhận thức còn rất kém, vì vậy mới xảy ra những tình huống xông xuống sân mắng chửi trọng tài, ban tổ chức, mỗi khi có chuyện không vừa lòng mình.
Ở bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng cần có văn hóa chứ không riêng gì bóng đá. Cách hành xử có văn hóa sẽ nâng giá trị của con người, của cuộc chơi lên tầm mức cao hơn, còn ngược lại nó sẽ bị phê phán, xã hội xem thường theo kiểu gọi thường thấy là “trí óc ngu si, tứ chi phát triển”. Vậy phải làm gì để đem văn hóa đến với bóng đá? Đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả cầu thủ, các nhà chuyên môn, nhà dìu dắt, các ông bầu đội bóng và của các tổ chức quản lý, lãnh đạo bộ máy bóng đá.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Cơ thủ Hồng Ly ngoạn mục vượt qua khung cửa hẹp vào vòng trong
-
Thành tích VĐV SEA Games 31 cũng là cuộc đua của các địa phương
-
Sau SEA Games 31, Quách Thị Lan là đại diện duy nhất dự vô địch điền kinh thế giới?
-
HLV trưởng tuyển Ukraine Oleksandr Petrakov: Zbirna không đấu giao hữu vì các đội đều từ chối, chúng tôi tự chia đá nội bộ 2 trận với nhau
-
Tổ chức Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ VIII năm 2022
-
Người hùng World Cup Nguyễn Văn Hiếu cùng dàn sao phủi Việt hội ngộ tại Huế dự Huda Cup 2022
-
Đội tuyển U23 Việt Nam đến UAE
-
HLV người Brazil dẫn dắt CLB Thái Sơn Bắc
-
Haaland không lỡ ngày vui cùng đội bóng mới
-
“Mỹ nữ Kiev” Marta Kostyuk khóc lóc: Họ quyết định như thể các tay vợt Ukraine không tồn tại