Theo những số liệu gần đây của Bộ Y tế, số người đang bước vào tuổi già ở Việt Nam đã lên hơn 6 triệu người và tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng trên 10 triệu vào năm 2020. Hiện nay khoảng 30% người trên tuổi 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi mắc chứng bệnh cơ xương khớp.
Theo các chuyên gia y tế, ngoài những chấn thương, tai nạn hay những “di chứng” đặc thù của nghề nghiệp, thoái hóa sụn khớp thường có diễn tiến âm thầm theo thời gian (nhất là khi bước vào lứa tuổi sau 40) mà không có dấu hiệu báo trước. Thực trạng bệnh là vậy nhưng việc điều trị hiện nay tại các cơ sở cũng gặp nhiều thách thức bởi mạng lưới chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh chưa phổ biến và có độ phủ rộng khắp.

Theo Bộ Y tế, lực lượng chuyên môn ở các tuyến cuối tuy có tay nghề cao nhưng số lượng lại hạn chế, do ít cán bộ y tế được đào tạo đúng chuyên khoa. Thoái hóa khớp là một quá trình bệnh lý diễn tiến theo thời gian cùng với sự lão hóa - điều không ai có thể tránh khỏi. Bệnh không chỉ gây đau đớn, biến dạng chi khiến sinh hoạt, đi lại khó khăn mà còn có thể gây tàn phế, làm giảm chất lượng sống của bản thân bệnh nhân và cả gia đình. Các bệnh viêm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, tiếp theo là các vấn đề về lưng và cột sống.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, 90% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hóa khớp gây nên... Các chuyên gia xương khớp nhìn nhận mục tiêu của việc điều trị bệnh thoái hóa xương khớp là làm sao cho bệnh nhân không đau khi sinh hoạt hàng ngày. Và lý tưởng nhất là làm thế nào để khớp được phục hồi, đặc biệt lớp mô sụn - thành phần quan trọng của khớp. Bên cạnh điều trị y học, người bệnh thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt: hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh vận động quá mức mà không cho khớp nghỉ ngơi. Khi tuổi đã lớn, khớp đã đau, cần tránh các môn thể thao quá mạnh…



Để đề phòng và hạn chế thoái hóa khớp, ngay khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Một số biện pháp được các nhà chuyên môn khuyến cáo để phòng ngừa là duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân béo phì; tập vận động thường xuyên và vừa sức (luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp); giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng (tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối); sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng và tránh quá sức (khi nâng hay xách đồ nặng, cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu, ở chân là khớp háng, khớp gối); giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế (không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể)…
HỒNG HẠNH
(Theo Hội Thấp khớp học Việt Nam)