US Open: “Truyền nhân Martina Hingis” biến “Nữ hoàng khóc nhè” thành cựu vô địch, Nadal vào TK lần 9

US Open 2019 đã không còn tay vợt Đương kim vô địch nào. Ngay sau khi “Nhà Vua ATP” Novak Djokovic buộc phải bỏ cuộc nửa chừng trong trận đấu với Stan Wawrinka, “Nữ hoàng khóc nhè” Naomi Osaka cũng thất thủ tâm phục khẩu phục trước “Truyền nhân của Martina Hingis” - tay vợt nữ trẻ người Thụy Sỹ Belinda Bencic.

Belinda Bencic
Belinda Bencic

Bencic, người có biệt danh là “Truyền nhân của Martina Hingis” (vì đã từng được mẹ của Hingis truyền dạy nhiều kỹ năng), đã quay trở lại tứ kết của US Open lần đầu tiên kể từ năm 2014. Dù không có thể hình cao lớn (chỉ cao 1 mét 75, thấp hơn Osaka đến 5 centimet) và cũng không sở hữu những cú đánh mạnh mẽ, đầy uy lực, nhưng điểm mạnh của Bencic là lối chơi thông minh, chiến thuật khéo léo và khả năng nhận đoán trước tình huống.

Đó chính là những thứ vũ khí giúp Bencic lật đổ Osaka, biến “Nữ hoàng khóc nhè” trở thành cựu vô địch nhờ vào chiến thắng cực kỳ thuyết phục có điểm số 7-5, 6-4; qua đó, giành quyền quay trở lại vòng đấu bát cường ở giải đấu diễn ra tại Flushing Meadows - Trung tâm quần vợt quốc gia USTA Billie Jean King. Tay vợt 22 tuổi quê ở Flawil đã thắng 2 break-point ở ván mở màn và break-point duy nhất trong ván đấu thứ 2 để thắng chung cuộc.

Đây là trận thắng thứ 4 liên tiếp của Bencic trước Osaka, và cũng có thể xem như là trận toàn thắng thứ 4 của “Truyền nhân Martina Hingis” trước “Nữ hoàng khóc nhè” ở đấu trường WTA Tour. Trước đó, Osaka từng đánh bại Bencic với điểm số 6-3, và 6-3 trong lần đối mặt đầu tiên hồi năm 2013, nhưng đó chỉ là ở một giải đấu đẳng cấp ITF. Trước khi thắng Osaka ở vòng 4 của US Open 2019, Bencic liên tục thắng đối thủ Nhật Bản ở giải Hopman Cup 2018, rồi ở giải đấu Indian Wells và ở Madrid Masters hồi đầu mùa giải năm nay…

US Open: “Truyền nhân Martina Hingis” biến “Nữ hoàng khóc nhè” thành cựu vô địch, Nadal vào TK lần 9 ảnh 1 Bencic đã đánh bại Osaka trong cả 4 lần đối đầu ở WTA Tour
“Trước khi trận đấu diễn ra, tôi không nghĩ có gì khác biệt (so với chiến thắng 6-3, 6-1 ở Indian Wells hồi đầu năm). Nhưng sau khi trận đấu kết thúc, rõ ràng là một cảm giác hoàn toàn khác hẳn. Nhưng đơn giản, tôi chỉ bước tới trận đấu với cùng thứ tâm lý là tôi đã trải qua trong trận đấu trước đây, và thật sự tập trung vào lối chơi của mình, chứ không phải vì sự quảng bá rầm rộ về trận đấu này, về vòng đấu này, và không khí ở trên sân đấu. Tuy nhiên, sau trận đấu, cảm giác lại khác, như đây là chiến thắng quá quan trọng”, Bencic nói.

Bencic đã tập trung nói kỹ hơn về bí quyết tạo nên chiến thắng quá ấn tượng của cô, rằng khả năng đọc lối chơi của đối thủ một cách bẩm sinh và chỉ trong tích tắc, một phần nhỏ của giây, đã kịp lên kế hoạch bước trước từ 1 đến 2 bước đi so với đối thủ: “Tôi nghĩ, lối chơi của tôi dựa rất nhiều vào bản năng. Bạn phải phản ứng trong vài giây. Tôi cũng không biết nữa".

"Có lẽ, đó chỉ là một cảm giác ở phía bên trong. Không giống như tôi xem lối chơi của Osaka và thấy: “Cô ấy luôn luôn đánh chéo sân”. Đó chỉ là, cô ấy hay đứng ở đâu, góc đánh của quả bóng, nó nhanh như thế nào, và độ xoáy là bao nhiêu. Tôi nghĩ, bạn cần phải quyết định phản ứng như thế nào chỉ trong vài giây. Nó không phải là suy nghĩ, mà là bản năng!”, Bencic tiết lộ.

Chiến thắng sẽ đưa Bencic đối đầu với Donna Vekic, tay vợt nữ người Croatia từng vướng vào vụ lùm xùm giữa Nick Kyrgios và Stan Wawrinka trong một trận đấu ở Rogers Cup hồi năm 2015 (trong trận đấu đó, Kyrgios đã sỉ nhục Wawrinka khi nói rằng “Kokkinakis đã ngủ với bạn gái anh đó”, người bạn gái của Wawrinka chính là Vekic, nhưng nghe đâu họ vừa chia tay trước Roland Garros năm nay). Vekic mới thắng Julia Goerges 6-7 (5-7), 7-5 và 6-3.

US Open: “Truyền nhân Martina Hingis” biến “Nữ hoàng khóc nhè” thành cựu vô địch, Nadal vào TK lần 9 ảnh 2 Vekic vừa chia tay Wawrinka
Về phần “Nữ hoàng khóc nhè”, cô tiếp tục trải qua một kỳ giải đáng thất vọng mới nhất, và hiện giờ chỉ còn sở hữu mỗi danh hiệu Australian Open. Sau ngôi vô địch giải Úc mở rộng hồi đầu năm, rồi chia tay HLV người Đức giàu kinh nghiệm Sascha Basjin, tay vợt quê ở Osaka đang phải “cật lực trả giá”. Cô đã để thua đến 12 trận đấu và thường xuyên “khóc nhè” mỗi khi bị báo giới xoáy sâu vào những thất bại và mối quan hệ đổ vỡ với HLV Sascha.

Tất nhiên, sau thất bại lần này, Osaka không đến nỗi phải khóc nhè, mà cố lạc quan và giải thích: “Tôi đã bị đau mắt cá ở Cincinnati, nhưng mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Tôi không muốn nói rằng, đó là lý do tôi để thua, vì rõ ràng tôi đã chơi 3 trận đấu trước khi bước vào trận thua này. Ngay lúc này, tôi có cảm giác buồn bã, nhưng tôi cũng cảm giác là tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ trong suốt giải đấu này. Thành thật mà nói, đương nhiên tôi vẫn muốn bảo vệ danh hiệu vô địch tại US Open, tuy nhiên, chuyện đã không diễn ra như vậy”.

US Open: “Truyền nhân Martina Hingis” biến “Nữ hoàng khóc nhè” thành cựu vô địch, Nadal vào TK lần 9 ảnh 3 Sự buồn bã của Osaka

Trong một kết quả đáng chú ý khác, “Công chúa lọ lem” Bianca Andreescu đã đánh bại tay vợt của nước chủ nhà Taylor Townsend với điểm số 6-1, 4-6, 6-2 và cũng giành quyền lọt vào tứ kết. Andreescu đã trở thành tay vợt nữ Canada đầu tiên sau 27 năm lọt vào vòng đấu bát cường ở giải đấu tại Flushing Meadows - Trung tâm quần vợt quốc gia USTA Billie Jean King. Andreescu hào hứng cho biết: “Không hề là dễ dàng, nhưng tôi nghe rằng có một số CĐV Canada đã diện diện ở đây để ủng hộ tôi, thật là dễ thương. Tôi đã cố không suy nghĩ đến chuyện đó mà ráng sức giữ sự bình tĩnh. Ở bất kỳ giải đấu nào, tôi cũng đều muốn giành ngôi vô địch”.

US Open: “Truyền nhân Martina Hingis” biến “Nữ hoàng khóc nhè” thành cựu vô địch, Nadal vào TK lần 9 ảnh 4 "Công chúa lọ lem" Andreescu

Ở giải đơn nam, Rafael Nadal đã vượt qua “thách thức” Marin Cilic với điểm số 6-3, 3-6, 6-1, 6-2 để giành quyền lọt vào tứ kết US Open lần thứ 9 (nhưng vẫn còn thua Roger Federer đến 4 lần): “Thật đặc biệt khi nhìn thấy đám đông tuyệt vời này ủng hộ tôi. Như tôi đã nói trước khi giải đấu bắt đầu, tôi luôn có sự kết nối đặc biệt với đám đông khán giả ở New York. Họ luôn tràn đầy sinh lực, rất đam mê. Sau những trận đấu như thế này, bạn có thể quay về khách sạn với năng lượng đầy rẫy, vì tôi thật sự thưởng thức và thích thú khi được chơi trước khán giả ngồi kín khán đài. Sân Arthur Ashe vào ban đêm không thể tuyệt hơn”.

Như vậy, Nadal sẽ đối đầu với Diego Schwartzman (của Argentina) ở vòng đấu bát cường. Anh đang có rất nhiều cơ hội để lọt vào trận đấu chung kết US Open 2019, khi tất cả những tay vợt khó nhằn đều đang tập trung “chen chúc” ở nhánh thăm bên kia, như là Federer, Grigor Dimitrov, Danill Medvedev và Wawrinka. Nếu đánh bại được Schwartzman, đối thủ ở trận đấu bán kết của Nadal chỉ có thể là 1 trong 2 người sau - Matteo Berettini (Italia) và Gael Monfils (Pháp).

US Open: “Truyền nhân Martina Hingis” biến “Nữ hoàng khóc nhè” thành cựu vô địch, Nadal vào TK lần 9 ảnh 5 Rafael Nadal

Tin cùng chuyên mục