US Open 2018: Mặt trời mọc ở New York

Naomi Osaka, như một “mặt trời nho nhỏ” đã mọc lên giữa buổi chiều tà New York, mở ra một chương mới đậm tính lịch sử cho làng quần vợt “xứ sở thần Ánh Dương”. Với chiến thắng 6-2 và 6-4 trước Serena Williams, Osaka đã trở thành tay vợt Nhật Bản đầu tiên giành được 1 danh hiệu Grand Slam, thành tích mà “đàn anh” Kei Nishikori rất thèm muốn…
Naomi Osaka - "tiểu mặt trời" Nhật Bản đã mọc lên ở New York
Naomi Osaka - "tiểu mặt trời" Nhật Bản đã mọc lên ở New York

Bỏ qua tất cả những… “điểm tối” của trận chung kết đơn nữ, khi Serena tranh cãi kịch liệt, cáo buộc trọng tài là “kẻ trộm” (cả trong và sau trận đấu, ở buổi họp báo) vì những mâu thuẫn nảy sinh xung quanh việc cô “được hay không được HLV Patrick Mouratoglo chỉ đạo trên sân đấu” (!?), trận chung kết đơn nữ là nơi để vinh danh “nhi nữ Nhật Bản” Osaka. Cô gái 20 tuổi đã nhập cuộc với một tinh thần dũng cảm, bỏng cháy của tuổi trẻ. Và điều đó không chỉ diễn ra trong trận đấu chung kết, nó đã diễn ra trong suốt 2 tuần lễ đáng nhớ ở New York này!

“Cảm giác thật sự là không thật, ngay vào lúc này”, Osaka xúc động cho biết trong buổi họp báo sau trận đấu với giọng điệu ấp úng, “Tôi nghĩ, có lẽ trong mấy ngày sắp tới, tôi mới có thể nhận ra tôi đã làm được điều gì. Còn ngay vào lúc này, cảm giác chỉ là… tôi cũng không biết nữa. Bên cạnh thực tế là có rất nhiều nhà báo trong phòng họp báo này. Cảm giác giống như là… một giải đấu khác vậy!”.

US Open 2018: Mặt trời mọc ở New York ảnh 1 Osaka hôn chiếc cúp vô địch US Open 2018
Chỉ mới chơi trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng Osaka đã đánh bại thần tượng, và cũng là tay vợt vĩ đại nhất của làng quần vợt nữ thế giới ngay vào lúc này. Đó là chiến thắng chỉ sau 79 phút đồng hồ ở sân đấu Trung tâm Arthur Ashe. Một chiến thắng báo hiệu, “một tiểu mặt trời đã mọc lên một cách ngoạn mục tại thành phố New York không ngủ”.

“Có quá nhiều cảm xúc ngay vào lúc này, thế nên, tôi phải phân loại chúng... Tôi biết, cô ấy thật sự muốn giành danh hiệu Grand Slam thứ 24. Mọi người đều biết điều đó khi nó xuất hiện ở khắp nơi, trong các bài viết quảng bá… Nhưng khi bước vào sân đấu, tôi cảm giác như là một con người khác hẳn, không còn là CĐV của Serena. Đơn giản, tôi chỉ là một tay vợt đang thi đấu với một tay vợt khác. Nhưng nói gì thì nói, ngay khi ôm chầm lấy cô ấy ở bên lưới, tôi lại cảm giác như nhỏ lại, như là tôi thời tuổi thơ luôn thần tượng cô ấy biết bao”, Osaka cũng dành thời gian tâm sự về cảm giác khi đối đầu với thần tượng của mình.

US Open 2018: Mặt trời mọc ở New York ảnh 2 Osaka luôn nhỏ bé khi đứng cạnh thần tượng Serena
Chuyện Serena tranh cãi những gì, cô gây “xấu hổ” ra sao cho người Mỹ trong trận chung kết đơn nữ US Open, sẽ còn “là một mớ lộn xộn” trong rất nhiều ngày sắp tới. Nhưng người Nhật Bản, trong sự tự hào của mình, đã có thêm một cái tên để thần tượng, để nói lời trìu mến yêu thương. Sau Li Na, Osaka là tay vợt “từ phương Đông xa xôi thứ 2” lên ngôi ở đấu trường Grand Slam đình đám. Không giống như “đàn anh” Nishikori và “chiến công” ở US Open hồi năm 2014, người đã “vươn đến đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mình”, chuyến hành trình của Osaka mới chỉ bắt đầu, và phía trước, hứa hẹn có thêm nhiều cột mốc lịch sử đáng nhớ.

Ở làng điện ảnh Mỹ, phim có yếu tố Nhật Bản (diễn viên Nhật Bản, đất nước – con người Nhật Bản, văn hóa – truyền thống Nhật Bản) luôn gắn liền với “mặt trời”. Đó là bộ phim cao bồi “Mặt trời đỏ” của nam tài tử lừng danh một thời Charles Bronson, đóng với Toshiro Mifume. Đó là phim “Mặt trời lên” mà 2 diễn viên nổi tiếng Sean Connery và Wesley Snipes thủ vai chính trong chuyến hành trình điều tra án mạng mang đậm chất văn hóa Nhật Bản. Và giờ đây, ở làng quần vợt nữ thế giới, “nhi nữ Nhật Bản” Osaka đã thật sự sắm vai “tiểu mặt trời”, vươn mình ngoạn mục khỏi ánh chiều tà, thắp sáng chói lòa cả New York…

Tin cùng chuyên mục