Khi U19 Việt Nam than phiền vì… thiếu quần áo thi đấu, không ít người giật mình bởi tuyển Việt Nam cũng đang khốn khổ với trang phục thi đấu. Ở AFF Cup 2014, tuyển Việt Nam sẽ diện bộ cánh như thế nào?
Chia tay “ông lớn”
Chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng lại ầm ĩ khi U19 Việt Nam vừa trở về sau giải đấu tại Brunei: các học trò của HLV Guillaume chỉ được phát 4 bộ quần áo thi đấu (2 màu trắng- đỏ), vì vậy, do phải sử dụng liên tục tại giải đấu nên hình ảnh của U19 Việt Nam bỗng trở nên nhợt nhạt. Chính vì vậy, lời khẩn khoản đầu tiên của U19 Việt Nam trước Giải U19 Đông Nam Á - Cup Nutifood 2014 là được phát thêm quần áo thi đấu.
Thực tế bộ đồ U19 Việt Nam sử dụng thời gian qua chỉ là “hạng hai”, thường dùng để đàn anh ở tuyển Việt Nam (Olympic Việt Nam) sử dụng trên sân tập. Tất nhiên, có được tấm áo cho bằng bạn, bằng bè không dễ trong điều kiện tài chính hạn hẹp, nên lứa U19 Việt Nam cũng chấp nhận sử dụng đồ “hạng hai” này. Một phần vì chấp nhận cảnh phận làm em ăn thèm vác nặng.
Đối với một đội trẻ như U19 Việt Nam còn xi xoa thật dễ, còn thực tế hình ảnh của tuyển Việt Nam thì không thể coi nhẹ. Cho đến lúc này, đội bóng của HLV Miura vẫn được sử dụng trang phục do Nike sản xuất và cung cấp. Tuy nhiên, trang phục này đều là đồ còn tồn lại từ bản hợp đồng giữa Nike và VFF. Bởi từ đầu năm 2014, Nike và VFF đã đáo hạn hợp đồng tài trợ, nên VFF không có thêm bất kỳ mẫu mã, sản phẩm mới nào từ “ông lớn” thể thao này. Do là hàng tồn nên chất lượng không phải lúc nào cũng đảm bảo, bằng chứng HLV Miura từng sử dụng chiếc áo tập mà hình ảnh bị nhòe nhoẹt, xấu xí.

Đồng phục thi đấu của U19 Việt Nam trong thời gian qua chỉ là đồ “hạng hai”. Ảnh: Anh Khoa
Đành xài hàng tồn!
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới đây thừa nhận, VFF đang gặp khó khăn trong việc mời tài trợ do hình ảnh bóng đá Việt Nam xấu đi. Mặt khác, đối với riêng tuyển Việt Nam, thành tích sa sút trong 2-3 năm vừa qua là nguyên nhân làm đội tuyển mất đi sức hút. Việc Yamaha, Nike bỏ chạy khỏi đội tuyển Việt Nam là vấn đề không thể được xem thường.
Đối với riêng hợp đồng cùng Nike, VFF đã mất gần 1 triệu USD/năm sau khi đối tác này không gia hạn hợp đồng. Trước đó, sau khi nhảy vào thay thế Lining (Trung Quốc) tài trợ cho VFF từ đầu năm 2009, Nike được xem là bản hợp đồng khá màu mỡ của VFF. Bởi “ông lớn” đến từ Mỹ này ngoài việc cung cấp dụng cụ, trang phục thi đấu cho tuyển Việt Nam (lẫn Olympic Việt Nam), còn hào phóng chi cho tuyển nữ Việt Nam và một loạt đội trẻ của VFF. 80% giá trị hợp đồng của Nike là dụng cụ, trang phục thi đấu, 20% còn lại là tiền mặt. Đồng thời, “ông lớn” này còn có phần thưởng riêng cho các đội tuyển, một khi đạt thành tích quốc tế.
Tuyển Việt Nam diện bộ cánh nào ở AFF Cup 2014? Đến giờ, tuyển Việt Nam vẫn chấp nhận dùng hàng tồn kho từ gói tài trợ của Nike. Và người ta cũng chưa tìm thấy lối thoát cho VFF, khi mà những nỗ lực để tìm gói tài trợ thay thế cho Nike đều đi vào ngõ cụt. Hãng adidas, Lining từng tài trợ cho tuyển Việt Nam, nhưng hiện tại những đối tác này đều không mặn mà. VFF từng tính gõ cửa đến Kappa - thương hiệu đang xâm lấn V-League khi tài trợ cho HN T&T và SLNA, nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu im lặng.
Khó cho VFF và tuyển Việt Nam!
Thanh Chi