Tuyển nhảy cầu Việt Nam - HCĐ đã là thành công

Một lần nữa, Việt Nam tham dự môn nhảy cầu tại SEA Games 2017 và chúng ta không quá kỳ vọng sẽ đạt được HCV nhưng nếu có huy chương thì thành công hơn chờ đợi.
Tuyển nhảy cầu Việt Nam - HCĐ đã là thành công
Trông bạn mà ngẫm tới ta

SEA Games 2015 tại Singapore, tuyển nhảy cầu Malaysia giành trọn 8 HCV tại 8 nội dung thi đấu. Mới nhất, tại giải các môn thể thao dưới nước VĐTG 2017 đang tổ chức ở Hungary, tuyển nhảy cầu Malaysia giành 1 HCV. Nghĩa là, tuyển thủ nhảy cầu của thể thao Malaysia đã ở đẳng cấp thế giới. SEA Games 2017 này, chủ nhà Malaysia đưa tổng cộng 13 bộ huy chương thi đấu của môn nhảy cầu. Giới chuyên môn dự liệu, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, gần như chắc chắn VĐV Malaysia chiếm trọn 13 HCV ở môn thể thao này. 

Việt Nam từng có HCV SEA Games ở môn nhảy cầu (năm 2003 khi SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam). Thành tích đó vẫn là lịch sử của đội tuyển nhảy cầu nói riêng và 2 cựu tuyển thủ Mai Thị Hải Yến/Hoàng Thanh Trà. Thêm kỳ SEA Games 2009 tại Lào, Hoàng Thanh Trà đạt HCV cá nhân cầu mềm 3m.

Gần 8 năm trôi qua, VĐV nhảy cầu Việt Nam vẫn chỉ nỗ lực trong đấu trường Đông Nam Á chưa vươn được ra bên ngoài. SEA Games 2015, Việt Nam giành 1 HCĐ của cặp VĐV Thanh Thúy/Phương Mai (3m cầu mềm đôi nữ). Có rất nhiều lý giải để nói vì sao VĐV nhảy cầu của Việt Nam chưa thể nổi bật. Hai yếu tố quan trọng nhất đó là sự đầu tư và cọ xát thi đấu với VĐV nhảy cầu được xem như một ước mơ quá khó. Toàn quốc hiện tại chỉ khoảng 4 địa phương đầu tư cho môn nhảy cầu gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Hải Phòng.

Thực tế, phải có cơ sở vật chất mới có thể đào tạo VĐV nhảy cầu được nên đây là nguyên do ở trong nước, không nhiều địa phương đầu tư cho môn nhảy cầu. Thứ nữa, nhà quản lý rất ít kỳ vọng VĐV nhảy cầu Việt Nam đạt huy chương quốc tế nên sự đầu tư cho đội tuyển gần như không có. Một năm, ngoài giải VĐQG và giải trẻ toàn quốc, VĐV trong nước không còn cuộc đấu nào tranh tài. Với đấu trường quốc tế, các giải vô địch Đông Nam Á và châu Á đều có thi đấu nhảy cầu nhưng số VĐV Việt Nam được tham dự đếm trên đầu ngón tay (gần nhất tại giải vô địch châu Á 2016 ở Nhật Bản, Việt Nam có Phương Mai/Phương Anh xếp hạng 5/6 nội dung cầu mềm đôi 3m).

Trong tất cả những sự xuất hiện thông tin của thể thao dưới nước, hình ảnh về các kình ngư môn bơi lội luôn được chú ý nhất. Ít nhiều, VĐV nhảy cầu có sự tủi thân về nghề nghiệp. Nhưng, sự nghiệp đã chọn họ nên dù ít được nhắc tới, VĐV nhảy cầu vẫn được trao cơ hội tranh tài tại SEA Games.
Tuyển nhảy cầu Việt Nam - HCĐ đã là thành công ảnh 1 Nhảy cầu Việt Nam chỉ mong giành được HCĐ
Giấc mơ tiếp diễn Thực tế, 2 đơn vị Hà Nội và TPHCM được đầu tư mạnh ở môn nhảy cầu nên VĐV tại đây may mắn hơn đồng nghiệp là có cơ hội tập huấn, tập luyện ở nước ngoài trong những thời gian cụ thể. Dự SEA Games 2017, tuyển nhảy cầu Việt Nam có 6 tuyển thủ. So bó đũa chọn cột cờ, VĐV không đông đảo nên đội nhảy cầu chọn ra 6 tuyển thủ từ 21 VĐV dự giải VĐQG 2016. Chuẩn bị hành trang tới SEA Games 2017 thi đấu, 6 tuyển thủ tập luyện từ tháng 6 tại khu thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Những cái tên như Phương Anh, Phương Mai, Thảo Quỳnh, Văn Thành, Tùng Dương, Anh Duy là người tốt nhất trong nội dung thi đấu của nhảy cầu Việt Nam nên họ được lựa chọn phù hợp. HLV Vũ Minh Hiền từng cho biết, nhảy cầu Việt Nam có kỳ vọng thành tích huy chương. Chúng ta biết chắc, thành hay bại phụ thuộc nhiều vào sự thể hiện của 2 mũi nhọn Phương Anh và Phương Mai. Trong đó, Phương Mai được nhắm ở nội dung cầu mềm 1m cá nhân. SEA Games 2015, Việt Nam đặt chỉ tiêu khiêm tốn giành HCĐ trong môn nhảy cầu. Kết thúc Đại hội, VĐV nhảy cầu thành công với 1 HCĐ. Năm nay, dù chủ nhà Malaysia chiếm ưu thế tuyệt đối nhưng chúng ta vẫn tự tin đủ sức giành được huy chương chứ không ra về tay trắng.

Tin cùng chuyên mục