Chưa bao giờ chuyện tương lai của ông thầy người Áo có 8 năm ngồi trên ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lại nóng đến như vậy. Đúng như dự đoán của chúng tôi trước khi đội tuyển bước vào “chiến dịch AFF Cup” sẽ có một làn sóng công kích ông Alfred, buộc ông phải ra đi khi đội nhà thua trận.
Làn sóng đó đã cuồn cuộn chảy khó có gì ngăn cản nổi. Người viết nghĩ, ông Alfred Riedl đã hình dung điều không hay này từ khi đội tuyển Việt Nam không giành được ngôi đầu bảng B, không thể tránh Thái Lan và nó càng hiện rõ khi thúc thủ trên sân nhà ở trận bán kết lượt đi. Vốn là HLV chuyên nghiệp, ông Alfred Riedl đã tính trước tương lai của mình.
Tính gì thì tính, trước mắt ông phải lo cho quả thận của mình. Mặc kệ những sức ép có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đến khả năng thành công của ca phẫu thuật, ông chỉ nói một câu: “Tôi chưa có kế hoạch gì cho tương lai. Tất cả phụ thuộc vào kết quả của ca phẫu thuật”.
Song, nhóm “lật đổ” ông thì không nghĩ thế. Đây là cơ hội tốt nhất để họ cất lên tiếng nói. Trong số đó, chúng tôi nhận ra có nhiều người trước đây từng chê bai ông Henrique Calisto, ủng hộ Alfred Riedl trong “cuộc thi tuyển” vào chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Nay số người này quay ra công kích Alfred và làm như việc chậm trễ loại bỏ vị HLV người Áo này sẽ làm sụp đổ cả nền bóng đá Việt Nam.
Thực chất, nền bóng đá Việt Nam từ bấy lâu nay như một tòa lâu đài được xây dựng trên bãi cát lún. Bóng đá chuyên nghiệp được xây dựng suốt 7-8 năm qua, nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam còn không dám tự nhận là chuyên nghiệp. Nó cứ mãi mang cái tên “thử nghiệm”.
Một kiểu thử nghiệm chẳng có thử nghiệm gì cả, mà cứ để trôi đi đâu thì trôi, mặc các đội bóng làm gì thì làm. Ngay cả chuyện tiêu cực tùm lum, từ ban lãnh đạo, huấn luyện viên, trọng tài cho đến các tuyển thủ quốc gia xảy ra mà không hề có dấu ấn tham gia tích cực nào từ phía liên đoàn. Họ luôn đứng ngoài cuộc khi có sự cố, rồi đưa ra quyết định theo xu hướng của số đông người hâm mộ.
Vụ bán độ của nhóm cầu thủ nổ ra thì không thấy liên đoàn ở đâu, khi đám cầu thủ này ra tòa cũng không thấy liên đoàn ở đâu, rồi sau khi phiên tòa kết thúc, các ông thi nhau nhảy lên mặt báo phát biểu lung tung như mình là người có công duy trì đạo đức nền bóng đá.
Nay khi đội tuyển không thực hiện đúng chỉ tiêu (vào chung kết), khi làn sóng kích động đòi thay HLV trưởng dâng cao thì người ta cũng không thấy bóng dáng “ông” liên đoàn ở đâu. Hình như “ông” nấp đâu đó chờ thời cơ để ra quyết định cuối cùng như bao lần.
Tương lai ông Alfred Riedl tùy thuộc vào Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nhưng trước khi quyết định thay ông thầy người Áo thì hãy đọc kỹ bản hợp đồng (đến tháng 3-2008), tránh rơi vào vết xe đổ của vụ kiện Letard, phải bồi thường hàng trăm ngàn đô la Mỹ.
LINH GIAO
Các tin, bài viết khác
-
Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022: Đua tài chủ công
-
35 bàn thắng giúp Lewandowski lần thứ 5 liên tiếp nhận giải 'Vua phá lưới' Bundesliga 2021-2022, vượt xa Patrik Schick và Erling Haaland
-
Tottenham “dốc túi” lấy 2 sao của Everton
-
Man.United tiến gần những tân binh đầu tiên
-
Cảnh sát đột kích nhà các thành viên Bahrain-Victoria trước thềm Tour de France
-
Còn gì tuyệt vời hơn nếu Neymar gia nhập Chelsea!
-
Rời Liverpool, 'Mane sẽ hủy hoại 2 năm tuyệt vời nhất sự nghiệp'
-
Pochettino muốn bồi thường thêm 2 triệu so với đề nghị của PSG
-
Inter Milan sắp đón Lukaku, “đóng băng” Dybala
-
Giao hữu, Ajax vs Meppen 3-0: Christian Rasmussen mở bàn, Sontje Hansen xuất thần mở cú đúp, Ajax có chiến thắng dễ dàng