Tôi vẫn nhớ mùa hè năm ngoái. Tôi và anh bạn mình, một thằng nhóc lớp 12 trước ngưỡng cửa thi đại học, một thằng sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đang nằm nhà chờ kiếm việc làm - hai con người trẻ trên hai ngưỡng cửa cuộc đời, ở hai đầu đất nước cùng dõi theo hành trình của một đội bóng trẻ tận trời Âu: U21 Italia tại giải vô địch U21 châu Âu năm 2013.
Đó là những ngày tôi không thể nào quên, giữa ngổn ngang bài vở và tín hiệu giật không ổn định phát những trận cầu tại Israel là một tập thể U21 Italia chơi đầy cảm xúc. Chúng tôi gào thét tên Lorenzo Insigne sau cú đá phạt vào lưới U21 Anh trận ra quân, tôi cười xòa khi nhìn HLV Devis Mangia đứng dậy bắt tay từng thành viên ban huấn luyện, từng cầu thủ dự bị và khán giả đồng loạt vỗ tay khi gần kết thúc trận chung kết: Italia - Tây Ban Nha 1-4. “Chúng ta thua, xứng đáng, nhưng đá hết mình rồi anh em ạ”. Cách đối diện thất bại của họ là bài học tôi luôn ghi nhớ.

Ngày thứ Tư vừa qua là sinh nhật của một người trong tập thể ấy: Manolo Gabbiadini. Anh chỉ đá dự bị cho Nicola Sansone mùa hè năm ngoái, nhưng phong độ tốt nửa mùa giải trước và giai đoạn đầu mùa giải năm nay đã cho anh chiếc vé lên đội tuyển quốc gia của Antonio Conte, một món quà sinh nhật ý nghĩa và Gabby đi sau về trước.
Nhưng cũng chỉ thế thôi. Mùa hè vừa qua anh bị khước từ cơ hội trở về Juventus vì đội để chỗ cho Kingsley Coman và Gabby cũng chỉ là một trong số ít những người vẫn còn được nhớ đến cùng Insigne, Marco Verratti, hay Francesco Bardi của Chievo Verona. Chuyện gì đã xảy ra với những Ciro Immobile, Giulio Donati, Luca Caldirola hay Fausto Rossi? Đó không hẳn là quy luật đào thải mà là vấn đề trong cách người Italia đối xử với các cầu thủ trẻ của chính đất nước mình.
Immobile có một mùa giải tuyệt vời và là vua phá lưới nước Italia nhưng bị bán đi không thương tiếc, chỗ của anh ở Juve giờ là của Alvaro Morata. Verratti trước đó vẫn bị trách vì từ Serie B đi thẳng ra nước ngoài nhưng trước đó sao không ai nói các đội lớn tại Italia đã từ chối mua anh vì mức giá như thế nào? Và bây giờ anh chơi tốt tại PSG ra sao?
Lấy Juventus làm ví dụ, đương kim vô địch Italia có một hệ thống cầu thủ trẻ đem cho mượn, đồng sở hữu, thuộc biên chế nhiều nhất tại Serie A và họ như có một “truyền thống”: nếu cầu thủ trẻ nào đó muốn về Juve, hãy gặp Juve và đánh bại họ để quay về. Sebastian Giovinco đã làm được điều đó. Domenico Berardi sắp làm được điều đó nhưng Simone Zaza và Gabbiadini có vẻ như sẽ mãi mãi bị khước từ. Một “Juventino Vero” (Juventino Chính hiệu) trung thành như Claudio Marchiscio đến Juve từ nhỏ và ở lại đến bây giờ cũng chỉ làm được điều đó khi calciopoli trao cho anh cơ hội thể hiện cho Juve và người Juve tin tưởng. Các cầu thủ trẻ Italia hiện tại đang gặp rất nhiều bất lợi, họ phải có tài năng thật xuất chúng mới được trọng dụng. Với những tài năng chưa phát triển hết, xin lỗi, anh không còn thời gian để phát triển - anh phải nhường chỗ cho các cầu thủ trẻ khác từ nước ngoài, dù ngang về năng lực nhưng đòi lương ít hơn, ít hiểu biết về cơ chế hơn cầu thủ bản địa, “biết điều” hơn và khi bán sẽ được giá cao hơn.
Giá bán ở đây cũng là một vấn đề quan trọng. Các cầu thủ Italia thường được đào tạo trên nền tảng chiến thuật tập thể, chơi bóng cùng nhau và tư duy chiến đấu tập thể. Nếu xé lẻ và đưa họ vào những môi trường đòi hỏi độc lập tác chiến tốt như Anh và Đức, họ thích nghi và hòa nhập rất chậm. Đó là lý do cầu thủ Italia thường không bán được giá. Và trong vòng quay đầu tư, tái đầu tư liên tục, các CLB Italia với bậc thầy là Udinese đã chọn cách làm này làm nguồn thu chính khi không còn tìm kiếm được những hợp đồng tài trợ lớn. Vì thế, những con chim trong tổ chết từ trứng nước. Hậu quả là đội tuyển quốc gia thiếu tính kế thừa vì phần nền đã bị vơi đi đáng kể.
Cách làm ấy của người Ý cũng giống như bộ mặt Chủ tịch Liên đoàn của họ, Carlo Tavecchio, một ông già 71 tuổi với tư duy thủ cựu, chuyên làm bóng đá phong trào nhưng lại được ủng hộ bởi đa số các CLB tại Serie A. Vì về bản chất, họ hình như vẫn không muốn thay đổi. Họ nói quá nhiều về đào tạo trẻ nhưng vẫn tiếp tục bỏ rơi những tài năng bản địa và đến bây giờ thế hệ U21 chỉ mới năm ngoái đoạt Á quân châu Âu coi như đã vơi đi một nửa.
Người Italia vẫn nói nhiều về quá khứ để tự hào và tiếp tục áp dụng cách nghĩ, cách làm của thế kỷ trước áp dụng cho hiện tại.
Hôm qua nghĩ. Hôm nay đừng nói, chỉ làm. Hoài niệm quá khứ huy hoàng để tự hào là vậy, nhưng đừng để đến một ngày hoài niệm ấy trở thành lố bịch.
Hoài Thuận
(Juventus Fanclub In Vietnam)
Các tin, bài viết khác
-
Cộng đồng Fan Arsenal chung tay ủng hộ anh Chu Trường Giang
-
Đá Không Đánh FC hòa Chelsea SG All Stars 4-4 trong trận cầu thiện nguyện
-
Vua phủi Capdervilar đầu quân Văn Minh chinh chiến tại HPL-S6
-
Bình Hòa-TPK lần thứ 3 liên tiếp vô địch giải bóng đá Thành phố mới Bình Dương
-
Fan Chelsea sôi sục trước tin “Voi rừng” Drogba sẽ đến Việt Nam
-
Công Vinh lên kế hoạch tiếp cận bóng đá Học đường
-
Giải bóng đá Hội Doanh nghiệp TPHCM 2018
-
Giải bóng đá đường phố - SCG 2018
-
Giải bóng đá Thành phố mới Bình Dương - Cúp Becamex IDC 2018
-
Giải bóng đá phong trào BXTP Cần Thơ mở rộng 2018