Sau khi thương vụ tiếp xúc để mua suất chơi chuyên nghiệp của CLB Thể Công bất thành, hôm qua, người hâm mộ bóng đá đã choáng khi hay tin đội bóng QK4 sẽ dời nhà từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, sau khi đạt được thỏa thuận bằng tiền với một ngân hàng ở TPHCM. Thế là mùa giải tới, sân Thống Nhất vẫn sáng đèn vào mỗi cuối tuần, và đất Sài Gòn vẫn có danh ở V-League…
Liệu khán giả có còn hào hứng đến sân Thống Nhất để cổ vũ cho đội bóng mới mang tên của TPHCM nhưng “phần hồn” lại thuộc về vùng đất khác? Ảnh: Dũng Phương
KHÔNG PHẢI CÁI GÌ CŨNG MUA ĐƯỢC
Thật ra chuyện mua bán suất chơi ở giải đấu cao hơn chẳng phải bây giờ mới có. Bầu Kiên của Hà Nội ACB đã từng vài lần được biết đến qua chuyện thay tên đội bóng xoành xoạch từ Công an Hà Nội đến Hàng không Việt Nam, rồi LG.HN.ACB đó thôi. Thế nhưng, trong tất cả những lần ấy, bầu Kiên chỉ làm một việc duy nhất là mua lại suất chơi ở hạng cao nhất, nhằm bảo đảm chuyện “tái sinh” đội bóng của mình ngay trên mảnh đất quê nhà, chứ không có chuyện bầu Kiên mua một đội bóng từ tận đâu đâu đưa về Hà Nội để làm “đội nhà”. Bởi ngay như chuyện Hà Nội ACB của bầu Kiên chỉ cần dùng ông Hồng Thanh của xứ Nghệ để làm nhà hoạch định chiến lược mà còn gặp bao “lời ong tiếng ve” kia mà. Thậm chí, chỉ với việc có quá nhiều cầu thủ xứ Nghệ thôi mà đội bóng của bầu Kiên đã hao hụt đi khán giả rất nhiều.
Đơn giản một điều, người ta có thể mua được cái xác, nhưng không thể mua được cái hồn. Những buổi chiều thứ Bảy quạnh quẽ trên sân Thống Nhất ở mùa giải 2009 trong những ngày CLB Saigon United thi đấu, rồi ngay cả chuyện họ bị chính quan chức của HFF loại “tư cách đại biểu” đã là minh chứng lớn nhất cho cái gọi là tình cảm không thể mua được bằng tiền!
Khán giả xứ Nghệ thất vọng với đội bóng nơi những người con của họ ra đi, nhưng khán giả TPHCM không vì thế mà hào hứng lên thêm.
Với một đội bóng mới toanh và cũng “xí xà xí xồ chẳng hiểu gì cả” như cách người hâm mộ Sài Gòn từng nhận xét sau vài lần đến ủng hộ đội bóng của thầy trò HLV Văn Sỹ Hùng, thì liệu khán đài sân Thống Nhất có đông hơn những ngày mà Thép-Cảng còn chơi ở giải chuyên nghiệp không?!
Chắc chắn, màu cờ sắc áo là thứ không tiền nào có thể mua được. Và khi mà đội bóng không phải của mình, không thuộc về mình thì chuyện có thêm một đội bóng hay mất đi một đội bóng liệu có xuất phát từ lòng mong muốn của người dân TPHCM, hay chỉ đơn giản là cách mà những người làm bóng đá của TPHCM lấp đầy khoảng trống bằng… tiền.
BÁN DANH 3 ĐỒNG
TPHCM đã từng bán đi đội bóng của mình với cái giá mà bầu Thắng (Đồng Tâm Long An) đã nói là quá rẻ, nếu so với khi ông bán lại chính đội bóng ấy cho V.Ninh Bình. Cái chính của việc mua một CLB và bán danh tánh CLB nào đó luôn nằm ở nguyên tắc thương trường, bán cho người cần mua và mua của người cần bán. Có lẽ vì vậy mà QK4 đã nhanh chóng đi đến thỏa thuận, bởi hơn bao giờ hết những người làm bóng đá ở Sài Gòn đang muốn có 1 đội bóng chơi ở giải chuyên nghiệp. Cái chính của cuộc mua bán không nằm ở việc giá bao nhiêu, mà lại nằm ở chỗ CLB QK4 chấp nhận đến chơi ở TPHCM như ngôi nhà mới của mình.
Như đã nói, khó tin rằng với cuộc mua bán này mà uy tín của bóng đá Sài Gòn sẽ khá hơn lên, bởi suy cho cùng, đó chỉ là mua tên ở V-League. Vì sao ư?Ai cũng biết việc mua CLB QK4 của đại gia Sài thành, dẫu rằng mua trọn vẹn một đội bóng, nhưng ngay ở giải V-League đã bao giờ QK4 được đánh giá cao, được xem là đội mạnh đâu. Họ vật vã trụ hạng ở những vòng đấu cuối, và theo ông Vũ Quang Bảo - HLV của đội thì chính là nhờ các đội khác cứu CLB TPHCM nên đội bóng ông có lợi đấy thôi.
Một đội bóng mới, nhưng cũng chẳng thể tuyên bố cạnh tranh thứ hạng cao như cái cách mà Bình Dương hay Gia Lai đã và đang làm thì uy tín ở đâu ra. Một đội bóng mới mà tương lai thấy rõ rằng: trụ hạng chính là mục tiêu lớn nhất thì có khác gì xát thêm muối vào vết thương cũ của những ngày mà người Sài Gòn cứ phải thấp thỏm chờ xem CLB TPHCM có trụ hạng được không.
Thêm vào đó, bóng đá Sài Gòn càng ít có cơ hội phát triển nhờ “cú hích” này, bởi CLB mới tiếp nhận QK4 chắc chắn không có sự chuẩn bị cho lực lượng kế thừa bằng đào tạo trẻ. Chính phía QK4 xác nhận, họ chỉ bán đội bóng của mình chứ không hề kèm theo các lứa trẻ như U21 hay U19. Việc đi lên và đứng vững bằng chính đôi chân của mình vốn đã là nhược điểm của bóng đá Sài Gòn, nay càng yếu hơn bởi người ta thấy rằng, giữa chuyện bỏ công bỏ sức đầu tư cho bóng đá trẻ thì chuyện bỏ tiền mua danh dễ hơn rất nhiều.
Mua danh thì mắc, nhưng nếu không biết cách quản lý cho tử tế thì chuyện bán danh không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra rất ê chề. Một khi ngân hàng có thể mua đội bóng QK4 được thì cũng có thể bán được, lúc đấy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát đi điều tôn nghiêm của người dân Sài thành?!
Thật lòng không mong CLB mới mua QK4 sẽ đi lại vết xe đổ của Saigon United đã từng đi, nhưng lo lắm…
PHẠM HOÀNG
(SGGP thể thao)
Các tin, bài viết khác
-
CLB Viettel – Hougang United: Tranh chấp ngôi đầu (17g, ngày 30-6, VTV6 THTT)
-
U19 Việt Nam mất gần 1 ngày di chuyển sang Indonesia tham dự giải Đông Nam Á
-
Đội tuyển nữ Việt Nam đến Orleans, chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Pháp
-
Bước chân nhỏ, hành trình lớn
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022
-
Quang Hải, ngôi sao làm thay đổi suy nghĩ về chuyện xuất ngoại
-
HLV Mai Đức Chung chốt danh sách tham dự AFF Cup nữ 2022
-
Viettel FC tiến gần tấm vé đi tiếp ở AFC Cup 2022
-
Pau - đội bóng mới nổi ở Ligue 2