Từ “phút ngẫu hứng” của Malaysia

1. Cái tin Malaysia sẽ không phá lệ can thiệp vào thể thức bốc thăm của SEA Games 29 nghe xong, muốn vui cũng… chẳng cười nổi. Có ai ngờ, chuyện “be bé” thế đó đã khiến một vài làng cầu loạn xị cả lên.
Chính cái sự “ngẫu hứng” của Malaysia trong bóng đá lại làm… “lòi” ra nhiều vấn đề. Ảnh: Nhật Anh
Chính cái sự “ngẫu hứng” của Malaysia trong bóng đá lại làm… “lòi” ra nhiều vấn đề. Ảnh: Nhật Anh
Cần phải nói cho rõ: Ý tưởng đó chẳng qua là một phút “ngẫu hứng” của Malaysia không hơn không kém. Bạn có tin một đội bóng từng 2 lần đăng quang, 1 lần vào bán kết trong 4 kỳ SEA Games gần nhất lại “thèm khát” chiếc HCV đến mức phải “mưu đồ” chọn phương án bị người ta đả kích đến mức ấy hay không? Cần lưu ý, cũng trong khoảng thời gian này, đội tuyển quốc gia của họ còn 1 lần vô địch, 1 lần á quân, 1 lần vào bán kết AFF Cup. Xét về mặt thành tích, chỉ có Thái Lan là “đủ tư cách” nói chuyện với Malaysia mà thôi.

Vậy thì lý do gì Malaysia lại “nổi hứng” như vậy? Câu trả lời đơn giản: Bản thân họ xem môn bóng đá tại SEA Games chỉ theo kiểu 1 môn thi như 39 môn còn lại, và đương nhiên, họ có quyền đề nghị những gì có lợi nhất trong việc thi đấu. Đưa các môn thể thao mùa đông vào SEA Games còn được, huống hồ gì chỉ là quyền chọn bảng.

2. Nhưng chính cái sự “ngẫu hứng” của Malaysia lại… “lòi” ra nhiều vấn đề. 

Thứ nhất, căn bệnh thành tích ở vùng trũng Đông Nam Á phải nói là quá nặng. Người ta không cần quan tâm đến chuyện trải nghiệm cho các cầu thủ trẻ, càng thi đấu nhiều, gặp nhiều đối thủ mạnh càng tốt. Thay vào đó, cái gì giúp cho chuyện thắng HCV càng dễ thì sẽ làm, bất chấp các quy tắc thông thường của bóng đá.

Thứ hai, ý tưởng của Malaysia không hay ho cho lắm nhưng cũng chẳng đến mức bị quy chụp rằng họ “phá hoại bóng đá”. Nếu bốc thăm công bằng, vẫn có thể Malaysia sẽ vào bảng 5 đội, thế nên nếu họ được ưu tiên chọn bảng, chẳng qua cũng là một lợi thế của nước chủ nhà, nếu xét ở toàn cảnh các môn thi đấu SEA Games. Cần lưu ý rằng, trước khi Malaysia đưa ra ý tưởng trên thì cũng đã có một ý tưởng không gống ai khác đó là đưa độ tuổi đá SEA Games về U.22. Bản thân việc thay đổi tuổi đá SEA Games cũng là một kiểu “hạ giá” cho môn bóng đá, thay vì phải là U.23 + 3 hoặc Olympic thì mới giúp SEA Games thu hút khán giả. 

Tóm lại, một khi SEA Games đã có quá nhiều thứ không theo tiêu chuẩn chung, thì kiểu ý tưởng của Malaysia cũng tự nhiên xuất hiện mà thôi.

3. Không biết các làng cầu khác thấy sao, nhưng với Việt Nam thì rất vui vẻ với việc ý tưởng của Malaysia không được thông qua. 

Đơn giản vì chúng ta vẫn cứ đang theo đuổi giấc mơ vàng SEA Games bất chấp giá trị cũng như mục đích của nó không còn như trước. 20 năm trước, SEA Games là nơi tranh tài duy nhất của bóng đá Đông Nam Á. Sau đó, là nơi xác định năng lực của tuyến kế thừa (U.23). Nhưng nay, khi mà các giải U.19, U.23 của châu Á đều đặn diễn ra 2 năm một lần thì lứa U.22 tại SEA Games chẳng biết được xếp vào đâu? 

Ví dụ: U.19 Việt Nam thường xuyên đá VCK châu Á, U.20 dự luôn World Cup, U.23 cũng có lẽ sẽ tiếp cận với châu Á đều đặn hơn. Lứa Công Phượng, Xuân Trường… đều đã lên đội tuyển, đang tham gia vòng loại Asian Cup. Nếu họ thắng HCV SEA Games sắp đến thì chẳng nói làm gì, nếu thất bại thì sao? Còn cho rằng sân chơi SEA Games chỉ là trải nghiệm thì nên dùng các cầu thủ U.19, U.21 vẫn tốt hơn…

Tin cùng chuyên mục