1. Việc xuống hạng của Đồng Tháp chỉ là vấn đề thời gian. Với một đội mà trong kỷ nguyên V-League đã phải lên – xuống hạng đến 5 lần thì có xuống lần nữa cũng chẳng phải là vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, so với những lần trước, nếu phải xuống hạng mùa này thì phải nói là cái đau của bóng đá Đồng Tháp nhân lên gấp 2 lần.
Còn nhớ cách đây 2 năm, phải vận động ghê gớm lắm thì Đồng Tháp mới ở lại để đá V-League sau khi suýt giải thể dù vừa đoạt vé thăng hạng. Lúc đó, bóng đá xứ này gần như đi vào ngõ cụt. Thế nên, khi thay đổi mô hình, có doanh nghiệp góp tay, ai cũng hi vọng sẽ đổi đời. Giờ thì coi như mọi chuyện chẳng khá hơn.

Đồng Tháp đang chìm sâu trong cơn khủng hoảng rớt hạng. Ảnh: DƯƠNG THU
Câu hỏi đặt ra: Nếu xuống hạng thì liệu công ty cổ phần hiện nay có duy trì đội bóng hay không? Quan trọng hơn là duy trì bằng hình thức nào? Trên thực tế, xuống hạng Nhất thì chi phí vận hành CLB không nhiều, chỉ bằng 1/3 so với V-League nhưng bài học nhãn tiền từ Cà Mau cho thấy, kể cả là hạng Nhất thì chưa chắc cứ thành lập công ty, tổ chức bộ máy chuyên nghiệp là đủ. Giữ đội bóng như Cà Mau, hóa ra chỉ thêm tốn tiền chứ kết quả chẳng có gì khác trước. Hoặc như Long An, mùa này cũng đổi mô hình hoạt động, kết quả thì chẳng cải thiện, đang tiến gần đến chỗ đi play-off.
2. Chính những ví dụ nói trên càng khiến cho các doanh nghiệp đang đầu tư vào Đồng Tháp trở nên nản lòng. Nói gì thì nói, có nhiệt tình đến mấy thì họ cũng là doanh nghiệp, không lẻ thấy "ngõ cụt" mà vẫn cứ đi. Tiền ít hay nhiều thì cũng là tiền, thay vì bóng đá, làm việc khác có tốt hơn không?!
Cái khổ của bóng đá Đồng Tháp nằm ở chỗ này: Nếu xuống hạng mà bỏ luôn đội bóng thì hóa ra 2 năm qua “ném tiền qua cửa sổ”. Nhưng nếu tiếp tục đầu tư thì tương lai đi về đâu chẳng ai biết. Mô hình công ty cổ phần tại Đồng Tháp chỉ được tiến hành ở giai đoạn sa sút nhất của làng cầu này thay vì phải ở những lúc có nội lực tốt nhất. Nhiều địa phương khác cũng mắc sai lầm tương tự, chỉ khi nào bế tắc quá mới chịu kết nối với doanh nghiệp nhưng hoàn cảnh quá tệ, mọi đóng góp đều không có kết quả.
Đấy cũng là tình trạng chung của bóng đá Việt hiện nay: Cảnh chợ chiều. Những cơ hội tốt nhất để phát triển bóng đá chuyên nghiệp đã qua, hiện việc kêu gọi đầu tư là cực khó. Các nỗ lực nâng cao hình ảnh của V-League hiện nay khá tủn mủn, mang tính chữa cháy chứ không đủ thuyết phục các nhà đầu tư. Ngược lại, sự thất bại về mặt mô hình của Đồng Tháp, Cà Mau hay Long An chỉ khiến cho công tác xã hội hóa bóng đá càng lúc càng bế tắc hơn..
Có lẽ, từ chuyện Đồng Tháp xuống hạng, các nhà tổ chức phải tính lại con đường “lên chuyên” của mình.
Hồ Việt
Các tin, bài viết khác
-
FIFA ấn định thời gian và địa điểm bốc thăm chia bảng VCK World Cup nữ 2023
-
Việt Nam đăng cai vòng loại bảng U17 châu Á 2023
-
Đội tuyển Việt Nam sẽ so tài cùng đội Afghanistan tại TPHCM
-
Quang Hải vào “khoác áo” CLB Cần Thơ
-
Xứng danh Quả bóng Vàng Việt Nam
-
AMY CUP: Xăng dầu Phước Hưng đăng quang vô địch, khép lại giải đấu đầy sôi động và thành công
-
HAGL chia tay AFC Champions League 2022 bằng chiến thắng
-
Futsal nữ Việt Nam kết thúc tập huấn nước ngoài, gia nhập ‘làng’ SEA Games 31
-
Đội Olympic Việt Nam sẽ dự phòng cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31
-
AMY CUP: 2 trận BK kịch tính phải đá 11m luân lưu, Xăng dầu Phước Hưng tái chiến Nghĩa Tình - Kim Ngân ở CK