Vụ các tay đua xe đạp Việt Nam đánh nhau ngay tại giải đua quốc tế ở Thái Lan (ngày 11-5) đã làm buồn lòng người hâm mộ trong nước. Đây là vết nhơ không thể xóa của thể thao Việt Nam trong năm 2004 và những người tham gia vụ ẩu đả sẽ phải chịu trách nhiệm chính, với những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.
Diễn biến của vụ việc đã được báo SGGP tường thuật lại trong các số báo trước. Lần này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến cách xử lý của các cấp có thẩm quyền trong thể thao. Ngày 23-5, tức 12 ngày sau vụ ẩu đả, Sở TDTT TPHCM - nơi quản lý các vận động viên Trương Quốc Thắng, Nguyễn Nam Cực, Mai Nguyễn Hưng, Nguyễn Huỳnh Hiếu - mới tổ chức cuộc họp và đưa ra hình thức kỷ luật đối với từng cá nhân có liên quan.
|
Nguyễn Huỳnh Hiếu trên đường đua Cúp Truyền hình 2005. |
Qua đó, Trương Quốc Thắng bị cấm thi đấu 1 năm, Nguyễn Huỳnh Hiếu bị cảnh cáo, Nguyễn Nam Cực bị phê bình. Ngoài ra, Ban huấn luyện đội xe đạp TPHCM bị cảnh cáo, Trưởng đoàn Phan Quý Bách bị phê bình và không xét thưởng chiến sĩ thi đua cuối năm (khoảng 2 triệu đồng). Sở TDTT TPHCM đã gửi báo cáo xử lý kỷ luật này ra Ủy ban TDTT và Liên đoàn Mô tô-Xe đạp thể thao Việt Nam ngay sau đó.
Ngày 7-6, Thường vụ Liên đoàn MT-XĐTT Việt Nam đã tiến hành cuộc họp và lấy ý kiến để đưa ra hình thức xử lý kỷ luật các cá nhân sai phạm trên. Kết quả sau cuộc bỏ phiếu kín của 12 thành viên (trong đó có 9 Thường vụ và 3 cán bộ Ủy ban TDTT). 9/12 phiếu đề nghị “treo yên” tay đua Nguyễn Huỳnh Hiếu vĩnh viễn, Tổng thư ký Liên đoàn Đoàn Kim Phách đề nghị “treo yên” 3 năm, HLV đội tuyển Huỳnh Châu đề nghị 2 năm.
Các cá nhân khác bị đề nghị kỷ luật giống như quyết định của Sở TDTT TPHCM. Ngoài ra, tay đua Trịnh Phát Đạt bị cảnh cáo, vì là nguyên nhân gây ra mối bất hòa trong nước, dẫn đến vụ ẩu đả tại Thái Lan.
Ngày 8-6, Ủy ban TDTT Việt Nam chuẩn y quyết định của Liên đoàn MT-XĐTT Việt Nam.
Tuy nhiên, dù chưa nhận được văn bản kỷ luật chính thức, nhưng tay đua Nguyễn Huỳnh Hiếu đã quyết định “chống án”, vì cho rằng mình không tham gia đánh nhau. Giải thích vì sao giày mang ở chân của Hiếu lại bay vào đầu HLV phó Nguyễn Huy Hùng, Hiếu cho rằng đó là sự cố ngoài ý muốn (?) và anh đã xin lỗi Huy Hùng sau đó.
Đáng chú ý là trong 12 phiếu của Thường vụ Liên đoàn có phiếu của Phó Giám đốc Sở TDTT TPHCM Phạm Quang Bản hoàn toàn ngược lại, đề nghị không kỷ luật Hiếu, vì VĐV này không tham gia đánh nhau.
Một phiếu là thiểu số, nhưng trong nhiều trường hợp phiếu thiểu số đó đáng cho chúng ta suy nghĩ. Vì 12 người bỏ phiếu quyết định “treo yên”, xóa sổ sự nghiệp thể thao của một tay đua trẻ đều không ai tận mắt chứng kiến cuộc ẩu đả. Tất cả đều dựa vào lời tường thuật của những người có mặt tại Thái Lan, nhưng không có mặt tại “hiện trường”, thậm chí lại xem trọng lời thuật từ một phiếu.
Là người theo dõi đua xe đạp lâu năm, tôi có thể xác định trong vụ việc này “không có lửa làm sao có khói”. Việc ghi nhận tay đua Trịnh Phát Đạt có lỗi trong việc gây hấn từ trước là đúng, nhưng mức xử phạt cũng chưa thuyết phục. Một chuyên gia xe đạp theo đường đua lâu năm nói: “Đạt không hiền như chúng ta tưởng”.
Nói cho cùng, vì kém khôn ngoan, các tay đua TPHCM đã bị “sụp bẫy” và nhận án nặng. Nghe nói sau vụ này, Trương Quốc Thắng cũng không còn thiết tha trở lại đường đua. Nhiều khả năng, anh sẽ nghỉ thi đấu. Nếu Sở TDTT TPHCM không tích cực “chống án”, thậm chí mời luật sư nhập cuộc thì cũng có khả năng làng xe đạp TPHCM sẽ trượt dốc thêm vài năm.
* Tin mới nhận: Quyết định kỷ luật của Ủy ban TDTT đã được ký nhưng chưa đóng dấu vì chờ xem xét lại.
TƯỜNG LINH
Các tin, bài viết khác
-
Bão chấn thương qua đi, Liverpool sẽ mạnh trở lại
-
Áo vàng Tour de France Tadej Pogacar giành cú đúp chung cuộc giải xe đạp UAE trong ngày đối thủ Adam Yates gặp nạn
-
Khi huyền thoại trăn trở
-
Beckham công khai tham vọng Messi, Ronaldo
-
Lewandowski nổ súng, Bayern Munich tìm lại chiến thắng
-
Nữ hoàng hết thời
-
Khơi nguồn lực mới cho thể thao
-
Juventus mất điểm vì thiếu kinh nghiệm trận mạc
-
20 chiến thắng liên tiếp là “thành tựu vĩ đại”
-
Barcelona đã trở lại cuộc đua vô địch