Tù mù chuyển nhượng

Đội bóng Gia Định vừa từ hạng nhì thăng hạng nhất có “cáo buộc”, một cầu thủ của họ đã được HLV Vũ Tiến Thành của CLB Sài Gòn liên hệ mời về thi đấu nhưng quá trình này lại không thông báo với phía CLB Gia Định. Nói nôm na là “đi đêm chuyển nhượng”. Ông Vũ Tiến Thành dứt khoát phủ nhận, đại ý là tại sao một đội V-League như ông lại phải “đi đêm” với một cầu thủ khi đó còn đá ở hạng nhì. 

Đúng như ông Thành nói, như vậy là quá bất hợp lý. Nhưng tại sao có người vẫn tin vào chuyện “đi đêm” của ông Thành? Ấy là vì việc chuyển nhượng cầu thủ của Việt Nam quá nhiều góc khuất, rất ít sự minh bạch. Chỉ cần biết rằng, Việt Nam hiện nay dường như chỉ có duy nhất một nhà đại diện cầu thủ được FIFA công nhận và có đăng ký với LĐBĐ Việt Nam (VFF), mà ông này chủ yếu là thực hiện các hợp đồng với cầu thủ nước ngoài, thì hàng trăm cầu thủ Việt Nam lẽ dĩ nhiên sẽ làm việc trực tiếp với các CLB, giảm bớt phí trung gian. Việc tuân thủ quy chế chuyển nhượng chỉ còn hy vọng ở tư cách cá nhân, tập thể, chứ rất khó bảo đảm 100% minh bạch.

Đơn cử như những gì đã xảy ra với đội bóng Sài Gòn FC, nơi ông Vũ Tiến Thành vừa làm chủ tịch kiêm HLV. Chỉ trong vòng một tuần sau khi Sài Gòn FC đá trận cuối cùng V-League 2020, có đến 18 cầu thủ thanh lý hợp đồng hoặc từ chối gia hạn. Cái hay là ngay sau khi tuyên bố chia tay, có đến hơn phân nửa số cầu thủ đó tìm được CLB mới.

Hiểu một cách đơn giản, những cầu thủ kia đã làm việc với các đội bóng khác ngay trong thời điểm còn thi đấu. Họ có vi phạm quy chế chuyển nhượng, có “đi đêm” hay không thì chưa biết nhưng khả năng “xung đột lợi ích” là rất rõ ràng trong trường hợp chơi cho Sài Gòn FC khi đối đầu với đội bóng sắp khoác áo. Cụ thể như tiền đạo Geovano, vừa rời Sài Gòn FC đã ký ngay với Hà Nội FC. 15 ngày trước đó, Sài Gòn FC có trận “chung kết sớm” với Hà Nội FC và thua 2-4. Liệu trong số những cầu thủ vừa rời Sài Gòn FC có ai vì đã chọn bến đỗ mới của mình mà không thi đấu hết mình trong trận đấu đó không? 

Chuyển nhượng là hoạt động bình thường của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng với bối cảnh tù mù, thiếu minh bạch của bóng đá Việt Nam, đôi khi nó là “vùng tối” để tiêu cực ẩn mình. Ví dụ như chuyện Than Quảng Ninh cho Hải Phòng mượn 3 trụ cột để trụ hạng, hoặc như 3 năm trước, Hà Nội FC “chi viện” chân sút số 1 của mình là Hoàng Vũ Samson cho Quảng Nam, hay trước đó nữa là Công Vinh “bẻ kèo” từ Hà Nội T&T sang HN ACB…

Về pháp lý thì không có gì, nhưng nó cho thấy dấu hiệu của việc “đi đêm” không tuân thủ quy trình của chuyển nhượng. Dần dần thành thói quen, rồi thành định kiến, khiến bóng đá Việt Nam luôn chịu sự ngờ vực của công chúng hoặc các vấn đề kiện tụng đối với ngoại binh.

Tin cùng chuyên mục