Từ Einstein đến Mourinho: Khi di sản không phải là tất cả

Để bào chữa cho mùa giải thất bại cùng Man.United, HLV Jose Mourinho cứ khư khư lôi cái di sản hào hùng trước đây ra để làm “tấm khiên” đỡ trước luận điệu chỉ trích. Nhưng với bóng đá, di sản chỉ tô điểm những gì đã qua chứ không phải công cụ bảo vệ trong thực tại.

Mỗi khi thất bại, Mourinho luôn lôi di sản mình đạt được trước đây ra biện minh.
Mỗi khi thất bại, Mourinho luôn lôi di sản mình đạt được trước đây ra biện minh.

Năm 1931, khi đang đứng trên đỉnh cao của nền vật lý lý thuyết thế giới với 2 Thuyết tương đối hẹp và rộng, cùng giải Nobel cho nghiên cứu hiệu ứng quang điện, Albert Einstein vẫn mãi mê cất công đi tìm Thuyết trường thống nhất dù biết tỷ lệ thành công rất thấp.

Khi được tờ New York Times hỏi, tại sao cứ phải đi chứng thực điều tưởng chừng không thể tìm ra mặc dù đã có di sản công trình nghiên cứu đồ sộ trước đó, Einstein cho biết đầy ẩn ý: “Tôi không muốn mình như cô hoa hậu cứ an vị cho cái di sản vương miện trên đầu, rồi sau đó bảo rằng bản thân đã từng đăng quang khi thất bại”.

Luôn là vậy, cho đến cuối đời, Einstein vẫn sánh vai kẻ độc hành trên con đường tìm ra cái mới. Chưa bao giờ Einstein thỏa mãn cho di sản đã đạt được. Đúng hơn, nhà vật lý gốc Do Thái không sống trong thành công quá khứ.

Mang bộ não đâu kém lọc lõi, nhưng có lẽ HLV Mourinho không thấu được quan điểm như Einstein. Không nói rằng Mourinho không cố gắng phát kiến điều mới hướng Man.United đến chiến thắng, chỉ là sau thất bại, Mourinho cố lấp liếm vấn đề bằng cái gọi di sản bản thân đạt được trước đây và di sản thừa hưởng từ Man.United.

14 năm trước, Mourinho đâu có như vậy. Ông bước vào sân khấu hoa lệ bóng đá châu Âu bằng danh hiệu vô địch Champions League cùng FC Porto từ con số 0. Ngày đó, những Deco, Costinha hay Ricardo Carvalho… chưa được định hình trên bầu trời sao châu Âu.

Porto những năm tháng ấy, Mourinho có sự cam chịu dày công xây dựng trên niềm tin hướng đến thành công. Maniche kể rằng, khi gặp đội hình Porto lần đầu, Mourinho trình ra công thức hướng đến chiến thắng: “Động lực + tham vọng + tính đồng đội + tinh thần = thành công”.

Và Porto hạ AS Monaco để lên ngôi vương như sự đúc kết tinh túy cho công thức ấy. Tờ The Guardian từng nhận định, hình ảnh Porto trong trận đấu chung kết mới chặt chẽ và kỷ luật ra sao, khái quát lên phần “hồn” Mourinho ra vậy. Đâu mấy ai làm được như Mourinho khi thổi triết lý và quan điểm chiến thuật vào đội bóng sao cho hợp nhất “hồn và xác” thành một. Nhà báo Robert Beasley thì nói, từ thời điểm đó, Mourinho không chỉ nâng tầm bản thân mình, còn cả triết lý bóng đá phòng ngự phản công lên tầm cao mới.

Đó là thứ đặc sản riêng của Mourinho và bóng đá thời điểm đó. Để rồi qua Chelsea, Inter Milan hay Real Madrid, “đặc sản” ấy được tạo điều kiện phát huy tối đa có thể. Ở Chelsea, Mourinho gặt hái danh hiệu với toàn ngôi sao xuất sắc như John Terry, Frank Lampard, Didier Drogba… Qua Inter, Mourinho gặp đúng thời vận. Tập thể Nerazzurri lúc đó toàn những cá nhân đạt ngưỡng phong độ “chín”. Họ sẵn sàng “đá chết bỏ” vì vị tướng quân người Bồ.

Hậu vệ Maicon có lần bộc bạch: “Mourinho là một HLV tài ba. Tôi tin chắc là không ai nghi ngờ điều đó. Chỉ cần Mourinho lên tiếng, tôi sẵn sàng hết mình vì ông ấy”. Marco Materazzi thì khỏi phải bàn, trung vệ người Italia “khóc tu tu” như đứa trẻ khi Mourinho rời Inter sang Real. Materazzi biết rằng khi Mourinho đi rồi, không ai có thể lèo lái Inter đi từ danh hiệu này đến danh hiệu khác. Và di sản “cú ăn 3” lịch sử sẽ sớm lùi vào dĩ vãng, chứ không thể như cột mốc được định hình nhằm tiếp tục phát huy. Thật vậy, Inter hậu Mourinho thế nào thì quá rõ.

Với Real, mặc cho những đàm tiếu về triết lý lẫn vấn đề ngoài chuyên môn, Mourinho vẫn đưa Real đến danh hiệu. Nói Mourinho thành công trọn vẹn tại Real thì hơi quá, nhưng khẳng định thất bại cũng không. Bởi thất bại thì làm gì Real có danh hiệu và phá kỷ lục ghi bàn La Liga 2011-2012 với 121 pha lập công.

Tựu trung ngoài Porto, bất kể làm việc trong môi trường nào, Mourinho cũng được tạo điều kiện để giành danh hiệu. Điều kiện ấy không chỉ nằm ở độ chịu chi các ông chủ, mà còn khả năng “thức thời” trong dùng người cùng tư duy chiến thuật từ Mourinho. Và dù môi trường có đầy tiêu cực như Real, tìm kiếm danh hiệu với Mourinho không hề khó.

Hãy so sánh với Pep Guardiola. Pep ngay từ đầu dẫn dắt Barcelona đâu có “thức thời” như Mourinho. Pep khuôn mẫu trong triết lý và dụng nhân do “Thánh” Johan Cruyff để lại. Ai nói thành công của Pep trong những năm tháng tại Barca có dấu ấn lớn của Thierry Henry hay Zlatan Ibrahimovic…?

Không, hoàn toàn không khi sản phẩm “lò” La Masia đóng vai trò chủ đạo. Nhưng rồi qua Bayern Munich hay đến với Man.City hiện tại, Pep cũng ngộ ra chân lý: “Chỉ có mua sắm mới mang lại được thành công”. Đặc biệt, Pep chỉ mua cầu thủ ông thực sự cần và dùng được chứ không mua làm dày đội hình.

Ở Bayern là Xabi Alonso nâng tầm tuyến giữa, Robert Lewandowski trên hàng công… Cốt yếu, vẫn giữ được “chất” Hùm xám từ những trụ cột. Tại Man xanh, Pep “thay máu” mạnh hơn khi mang về những cá nhân mới phục vụ triết lý đề ra. Đấy là những cầu thủ chưa hẳn được định hình trên bầu trời sao, nhưng phải có “tố chất” Pep cần. Nhìn Leroy Sane hay Gabriel Jesus… cách đây một mùa, ai dám khẳng định cả hai đủ “độ chín” phục vụ trong đội hình Man xanh.

Nói vậy để thấy, Pep có thể xuất phát sau Mourinho về cách dụng nhân, nhưng luôn biết cách thay đổi cho hoàn hảo. Chưa kể chiến thuật cũng luôn biến ảo không ngừng, tùy vào điều kiện khác nhau.  Và mùa rồi khi Pep thất bại, Pep cũng đâu có khơi lại “di sản” danh hiệu đồ sộ từng có với Barca và Bayern để biện minh. Với Pep, thua là thua, và thắng là thắng.

Ở Man.United hiện tại, Mourinho duy trì mọi thứ theo quy củ. Với Mourinho đấy là triết lý, là lẽ sống làm nên thương hiệu chính ông. Với mắt người khác, đấy như độc đạo lỗi thời không phù hợp với xu thế hiện tại. Trang Squawka liệt kê ra những 5 sai lầm của Mourinho, nổi cộm việc cứ kiên trì với sơ đồ 4-2-3-1 và tiếp cận trận đấu duy ý chí theo khuynh hướng phòng ngự chủ đạo. Mặc kệ, Mourinho vẫn khư khư ôm những quan điểm xưa cũ đó. Khi sai và Man.United thất bại, càng thấy Mourinho cứng nhắc, cố chấp hơn.

Bị Sevilla loại tại Champions League, Mourinho lôi cả di sản chính ông từng có và Man.United ra biện minh, nhưng để làm gì? Mourinho cần biết, di sản chỉ để tô điểm khi ai đó lật lại những trang sử chói lọi trước đây, để gợi nhớ rằng lúc đó ông đã đứng trên đỉnh cao bóng đá, chứ không có giá trị cho thực tại, và càng không phải “tấm khiên” đỡ cho chính ông trước những lời chỉ trích. Di sản của Man.United thời Sir Alex cũng được bánh xe thời gian cuốn vào quá khứ, nó không phải thước đo định hình bộ mặt Quỷ đỏ hiện tại.

Mourinho giờ như miêu tả của Einstein khi sánh vai cô hoa hậu đã đăng quang với vương miện trên đầu. Khi thất bại những cuộc thi tiếp theo, “cô hoa hậu” Mourinho lại nhắc về thành công đã qua nhằm biện minh.

Mai này, “cô hoa hậu” Mourinho tiếp tục được vung tiền tu sửa “nhan sắc” cho lần thi mùa sau nhằm mơ mộng gợi về thuở vàng son chính mình và Man.United. Thành công không sao. Còn thất bại, di sản cả hai chẳng là gì để tự hào khơi lại nữa, mà chỉ nặng quằn thêm nỗi đau trong lòng.

Phải chăng, Man.United sẽ tiếp tục nhắm mắt chọn lầm “cô hoa hậu” Mourinho đã xuống phong thái?

Tin cùng chuyên mục