1. Suýt nữa Việt Nam sẽ cử đoàn thể thao tham dự môn Bridge, một môn mà ở Việt Nam gọi là đánh bài tá lả hoặc đánh phỏm. Môn này được nước chủ nhà Indonesia đưa vào thi đấu chính thức với 9 bộ huy chương và dự kiến là sẽ lấy đủ 9. Nước chủ nhà “rủ rê” Việt Nam tham gia để có đủ 4 quốc gia tham dự. Bộ môn cờ của Tổng cục TDTT cũng đã nghiên cứu, tập luyện nhưng cuối cùng không tham gia vì không tìm ra nguồn kinh phí xã hội hóa.
Theo cách hiểu của nước chủ nhà Indonesia thì đánh bài cũng là một dạng thể thao theo kiểu của các bộ môn cờ, nghĩa là thi đấu bằng trí lực. Thế nhưng, không phải môn nào cũng được xếp vào… thể thao.
Đỉnh cao của các môn cờ là cờ vua cho đến nay vẫn chưa được trở thành môn thi đấu ở Olympic dù Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) là thành viên lâu đời của tổ chức Olympic và môn thể thao trí tuệ này vô cùng phổ biến trên toàn thế giới. Tại châu Á, cờ vua mới được đưa vào Asian Games từ năm 2006, còn môn cờ tướng chỉ có tại Asian Games 2010 nhờ kỳ đại hội này tổ chức tại Trung Quốc. Ở đấu trường SEA Games, cả cờ vua lẫn cờ tướng cũng không được thường xuyên tổ chức.
Nói vậy để thấy, chúng ta dự kiến tập luyện và tham gia môn đánh bài chẳng khác nào cổ xúy cho một môn thể thao có tương lai vô cùng mù mịt. Vấn đề là việc chúng ta đã nghiêm túc suy nghĩ về chuyện này mới đáng nói.
Thôi thì chẳng qua, trong kỳ SEA Games 26 Việt Nam đã vận động được nước chủ nhà đưa vào các môn như Vovinam, cờ vua, lặn vốn là “mỏ huy chương” của Việt Nam, nên phải cố mà cử người tham gia các môn như võ Kempo, Tarung, trèo tường, trượt patin, dù lượn… nhằm giúp đoàn chủ nhà có đủ số quốc gia đăng ký để tổ chức. “Bánh ít đi, bánh quy lại” thôi mà.
2. Nhân cái chuyện thi đánh bài, mới giật mình nhìn lại, hình như thể thao Việt Nam chẳng có môn nào gọi là thế mạnh dù môn nào cũng chơi được và… chơi tốt. Trong làng thể thao Đông Nam Á, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đều có những môn ở đẳng cấp thế giới thực thụ. Nhờ các môn này mà khi dự Asian Games họ duy trì được thứ hạng ổn định để từ đó nghĩ đến chuyện đoạt HCV Olympic. Còn thành tích của thể thao Việt Nam tại Asian Games cứ giật lùi và mỗi khi tham gia cứ phải hồi hộp chờ đợi may rủi trong bốc thăm.
Một điều đáng nói hơn, các môn của những nước Đông Nam Á có thế mạnh đương nhiên cũng phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Ví dụ như cầu lông, các môn võ hạng cân nhẹ, chèo thuyền, thể dụng dụng cụ… Thế nhưng, ở Việt Nam không hề có những học viện đào tạo riêng các môn này để tăng đầu tư chiều sâu và biến nó trở thành các môn có khả năng tranh chấp huy chương với thế giới.
Trong bối cảnh đó, cũng quá dễ hiểu khi bộ môn cờ lại cử người tập luyện thử môn đánh bài theo kiểu… biết đâu lại chơi được và có huy chương. Với cách nghĩ “nhân tiện” như vậy, biết bao giờ mới xác định được thế mạnh của chúng ta?
THÚY OANH
Các tin, bài viết khác
-
U23 Việt Nam nhanh chóng đi vào tập luyện tại UAE
-
Bóng chuyền nam, nữ sẽ thay đổi lớn ở ban huấn luyện
-
Ancelotti không miễn nhiễm trước áp lực
-
Thể thao Hà Nội thưởng 55 triệu đồng cho mỗi tấm HCV SEA Games 31
-
Sao trẻ ghi 6 bàn, Man.City thêm nức lòng
-
Salah cam kết thêm ít nhất một mùa, Mane vẫn để ngỏ tương lai
-
Roma trở thành nhà vô địch Europa Conference League đầu tiên
-
Đội tuyển futsal Việt Nam chuẩn bị đón HLV người Argentina
-
AS Roma vs Feyenoord 1-0: Zaniolo hạ thủ thành Bijlow, giúp Roma lần đầu đăng quang Europa Conference League, HLV Mourinho có đủ 5 danh hiệu châu Âu
-
“Đệ nhất quyền thủ” Canelo Alvarez: Muốn hoàn tất “Trận Trilogy” với Gennady Golovkin, muốn tái chiến Dmitry Bivol để báo thù