Từ chuyện ở Mỹ Đình


Kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã chỉ ra hàng loạt bê bối trong hoạt động kinh doanh tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, qua đó kiến nghị Bộ VH-TT-DL phải chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan, trong đó có ông Cấn Văn  Nghĩa, vốn là Giám đốc của khu liên hợp, hiện đã nghỉ hưu.
Mặc dù đã nghỉ hưu (từ tháng 9-2018), nhưng ông Cấn Văn Nghĩa lại là người chịu trách nhiệm chính trong đa số những khoản tồn đọng trong kết luận của KTNN. Ảnh: ZING.VN
Mặc dù đã nghỉ hưu (từ tháng 9-2018), nhưng ông Cấn Văn Nghĩa lại là người chịu trách nhiệm chính trong đa số những khoản tồn đọng trong kết luận của KTNN. Ảnh: ZING.VN

Ở đây có 2 vấn đề mang tính thời sự. Thứ nhất, đó là tư cách của ông Cấn Văn Nghĩa khi ông này hiện mới được bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính- tài trợ của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Thứ hai, đó là những băn khoăn về hoạt động tạo nguồn thu của bóng đá Việt Nam.

Mặc dù đã nghỉ hưu (từ tháng 9-2018), nhưng ông Cấn Văn  Nghĩa lại là người chịu trách nhiệm chính trong đa số những khoản tồn đọng trong kết luận của KTNN. Thực ra, đây không phải là chuyện mới mẻ gì. Trước khi ông Cấn Văn Nghĩa được đề cử vào VFF khóa 8, dư luận đã đề cập đến những bê bối, đặc biệt là tài chính tại khu Mỹ Đình. Mặc dù khi đó chưa có kết luận thanh tra, kiểm toán nhưng một nhân vật đang có tai tiếng, lại vừa về hưu, vẫn được tiến cử cho vị trí “nắm hầu bao” của VFF, nơi có doanh thu cao hơn gấp nhiều lần so với nhiệm sở cũ, là chuyện bất thường. 

Chưa bàn đến những vi phạm, yếu tố tư cách là điều mà ông Cấn Văn Nghĩa không có. Cần lưu ý, VFF là một tổ chức xã hội, làm việc chủ yếu với các đối tác, thương hiệu hàng đầu. Như vậy, một người bị điều tiếng nhập nhèm về mặt tài chính thì liệu có tạo được sự an tâm cho đối tác ngồi cùng bàn với mình?!

Vấn đề của ông Nghĩa lại chính là vấn đề của VFF. Như đã biết, xung quanh vị trí ứng viên Phó Chủ tịch tài chính VFF là hàng loạt rắc rối về mặt nhân sự. Một người giàu kinh nghiệm, cống hiến nhiều cho bóng đá Việt Nam như doanh nhân Trần Anh Tú thì bị công kích dữ dội đến mức ông này phải tự rút lui để tránh tình trạng hỗn loạn trước khi bầu cử. Sau đó, trong “cuộc đua” ở đại hội, có những doanh nhân tiếng tăm cũng đành “chịu thua” ông Cấn Văn Nghĩa, bất chấp họ tranh cử bằng đề cương, chiến lược kiếm tiền hẳn hoi so với bản CV (lý lịch) nhiều tai tiếng của cựu Giám đốc khu Mỹ Đình.

Một cơ chế như thế nào thì mới tạo điều kiện cho ông Nghĩa thắng cử. Và với một lãnh đạo như ông Cấn Văn Nghĩa thì chúng ta cũng phần nào hình dung về vấn đề tài chính - tài trợ của VFF nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung trong tương lai.

Nói cho dễ hiểu: Những cách vận động tài chính mà ông Nghĩa từng làm ở  khu Mỹ Đình hoàn toàn có thể được áp dụng cho VFF. Đó là cách làm quen thuộc của những “người nhà nước” đang làm thể thao, chủ yếu “bán” cái mình có hơn là cái mà khách hàng muốn. Hiện nay, với việc đội tuyển Việt Nam đang thi đấu xuất sắc, công tác vận động tài chính đang gặp thuận lợi, nhưng thực tế thì ngoài ĐTQG và U23 ra thì các tuyến U do VFF quản lý vẫn đang trong tình trạng “đói” tài trợ.

Thời bầu Đức phụ trách tài chính, bằng quan hệ của mình, ông “kéo” được VP Milk tham gia hoặc sử dụng tiền túi để đóng góp, thực tế thì cũng không làm thay đổi quá nhiều hoạt động kinh doanh của VFF so với người tiền nhiệm Lê Hùng Dũng nhưng dù sao cũng xem là thành công trong giai đoạn khó khăn của nền bóng đá. Nay với ông Cấn Văn Nghĩa và cung cách “làm kinh tế thể thao” lạc hậu, nhiều khả năng cũng chỉ tranh thủ “hiệu ứng” từ đội tuyển đến chừng nào hay chừng đó.

Tin cùng chuyên mục