1. Ngoài đời, HLV Miura được đánh giá là một người quảng giao. Thi thoảng, người hâm mộ thường gặp ông đi uống bia hơi bình dân tại Hà Nội, đặc biệt là đi cùng với những người bạn trong giới truyền thông. Thế nhưng, trên sân cỏ, kể cả khi đang tập luyện, ông lại hiếm khi trả lời phỏng vấn. Người ta còn thống kê rằng, sau hơn 1 năm sang Việt Nam, ông Miura chỉ 1 lần tham gia phỏng vấn trên truyền hình, 5 lần trả lời phóng viên tại sân tập, tham gia 3 buổi giao lưu trực tuyến.
Tất nhiên, điều này rất… khó chịu đối với giới truyền thông. Song theo đại diện của Ban tuyên truyền VFF thì đây là nguyên tắc mà ông Miura yêu cầu sau khi đồng ý đến Việt Nam làm việc. Những nguyên tắc này không phải do cá nhân Miura đặt ra mà là quy tắc chung của bóng đá chuyên nghiệp thế giới - dù không có những quy định cụ thể, nhưng là một HLV đội tuyển quốc gia, mọi phỏng vấn có tính chất độc quyền đều không được khuyến khích và những thời điểm trả lời báo chí đều được lên kế hoạch từ đầu với số lượng hạn chế. Chính vì thế mà những gì người ta biết về HLV Miura đều xuất phát từ các cuộc họp báo chính thức, nơi mà ông Miura không ngại ngần nói lên quan điểm của mình dù nhiều lần ông gây “sốc” khi nói về U.19 hay các ngôi sao như Công Vinh, Công Phượng.

HLV Miura trả lời phỏng vấn báo chí tại SEA Games 28. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
2. Ở góc độ CLB, Becamex Bình Dương là đội đầu tiên đưa vào hợp đồng với cầu thủ điều khoản không phát ngôn với báo chí về các vấn đề liên quan đến CLB. Tuy nhiên, đội bóng thực hiện điều này tốt nhất là HA.GL với lứa cầu thủ U.19 dù hoàn toàn không có quy định chế tài nào đối với cầu thủ.
Những phát biểu, các bức ảnh gây “bão” cộng đồng mạng với “hot girl” Hòa Minzy... của ngôi sao U.19 Công Phượng cho đến nay hoàn toàn là một bí ẩn, bởi bất kỳ ai đã tiếp xúc với cầu thủ này đều biết rằng anh chưa từng công khai điều gì, hoặc nếu có thì cũng chẳng xác nhận hay phản bác.
Theo lãnh đạo HA.GL, không có quy định cụ thể về phát ngôn của cầu thủ, nhưng trong giáo án tại Học viện HA.GL - Arsenal JMG thì việc tiếp xúc với giới truyền thông là điều hoàn toàn không được khuyến khích. Nói cách khác, trước khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, những ngôi sao như Công Phượng tạm chưa được phép “sở hữu bản thân” và phải phụ thuộc vào học viện. Công Phượng chỉ trả lời phỏng vấn báo chí 2 lần kể từ khi anh và các đồng đội U.19 được đôn lên đội 1 HA.GL. Những lần đó đều diễn ra khi Công Phượng đang tập huấn ở đội tuyển quốc gia và chưa lần nào ngôi sao trẻ này nói quá 5 phút. Công Phượng thừa nhận, anh chỉ giỏi chơi bóng chứ không giỏi… nói. 3. Khác hẳn với sự nhút nhát và luôn tìm cách né tránh các câu hỏi của giới truyền thông cách đây 2 năm, nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã chững chạc và sôi nổi hẳn trong các cuộc phỏng vấn với phóng viên Việt Nam và quốc tế ở SEA Games 28.
Từ trước khi Ánh Viên lập kỳ tích đoạt 8 HCV và 8 lần phá kỷ lục của đại hội, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã rất bất ngờ trước phong cách trả lời tự tin và thậm chí có “chua” thêm chút hào hứng của cô gái trẻ trung này. Ánh Viên bày tỏ: “Cái may là tôi đã có thời gian dài tập huấn và tiếp xúc với giới truyền thông ở Mỹ, kỹ năng giao tiếp cũng như vốn sinh ngữ của tôi được nâng lên và khác biệt hoàn toàn so với trước đây. Tôi cảm thấy mình tự tin hẳn lên”.
Ở Singapore, giữa vòng vây của báo chí Đông Nam Á, cô gái vàng của bơi lội Việt Nam đã trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh và luôn với nụ cười tươi tắn. Gabriel Tan, một đồng nghiệp ở tờ The New Paper của Singapore, cũng đánh giá rằng nữ kình ngư của Việt Nam đã trở thành tâm điểm của môn bơi lội và cách mà cô trò chuyện với báo chí Đông Nam Á đã thể hiện một phong cách chuyên nghiệp thực sự. Nghe thôi cũng đã cảm thấy tự hào cho thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
YẾN PHƯƠNG - LÊ HÙNG
*****
Chuyên gia Trần Duy Long: Báo chí là gạch nối giữa người hâm mộ và giới bóng đá
Trước tiên, tôi xin được chúc mừng Báo Sài Gòn Giải Phóng nhân ngày Báo chí Việt Nam 21-6, trong thời gian qua đã và đang đóng góp phần lớn cho sự phát triển của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng.

Riêng về khía cạnh bóng đá thì báo chí là gạch nối cần thiết giữa người hâm mộ và giới bóng đá, cũng như giúp nhiều cho sự phát triển của bộ môn này. Những yếu tố tích cực, tiêu cực trong và ngoài sân cỏ được các bạn thông tin kip thời để từ đó giúp cho các cầu thủ ngày càng hoàn thiện hơn. Ngoài ra, trong xu thế của thời đại hiện nay, khi mà chúng ta đã hòa nhập cùng khu vực, châu lục và thế giới, cả báo in lẫn báo mạng đã cung cấp nhanh và chính xác những nguồn thông tin từ khắp nơi đến với người hâm mộ.
Rõ ràng là vai trò của truyền thông có trách nhiệm rất lớn lao với ngành thể thao cũng như bóng đá nước nhà. Nhân ngày Báo chí Việt Nam năm nay, tôi xin chúc các bạn nhiều sức khỏe, công tâm trong ngòi bút, nhanh nhẹn để cùng đưa thể thao Việt Nam hòa nhập thế giới.
Quốc Cường (ghi)