Trụ hạng, cái vòng ‘kim cô’ khó gỡ của bóng đá miền ĐBSCL

Năm thứ hai liên tiếp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vắng bóng ở sân khấu V-League nhưng lại chiếm đến một phần 3 số đội tham dự đấu trường thấp hơn là Giải hạng Nhất Quốc gia LS 2020. 

BHL đội Cần Thơ ở mùa bóng 2020. Ảnh: CTFC
BHL đội Cần Thơ ở mùa bóng 2020. Ảnh: CTFC

4/12 đội bóng hạng Nhất ở mùa 2020 đến từ khu vực miền Tây sông nước, gồm: Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang. Vì thế giới mộ điệu từng ví rằng: Giải hạng Nhất không khác nào cúp ĐBSCL mở rộng. Với bóng đá miền Tây, đó là vết sẹo lâu lành và hiện tại, họ chỉ còn sống trong những ký ức một thời. Bởi chẳng biết bao giờ vùng đất “cò bay thẳng cánh” này sẽ có đại diện trở lại với sân chơi V-League.

Nhìn vào sự chuẩn bị của các đại diện miền Tây cho mùa giải 2020 chẳng tìm được tia hi vọng lóe sáng nào. Nguồn tài chính hạn hẹp buộc các đội phải sống theo kiểu cầm chừng và... chờ thời để lãnh đạo tỉnh “bật đèn xanh”. Lực lượng biến động, quân “tứ xứ” đến, đi nườm nượp và không dám “chơi tới bến”. Vậy nên mục tiêu trước mắt của các đội vẫn là trụ hạng.

Cần Thơ và Đồng Tháp đã thay tướng nhưng trước khi chờ vận đổi, 2 tân thuyền trưởng Nguyễn Hữu Đang (Cần Thơ) và Nguyễn Anh Tông (Đồng Tháp) cần phải xây được bộ khung với dàn cầu thủ đầy xáo trộn ấy. Bài học “thoát chết” phút cuối trong 2 mùa gần nhất vẫn còn hiệu nghiệm để 2 đội có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào vạch xuất phát.

Trụ hạng, cái vòng ‘kim cô’ khó gỡ của bóng đá miền ĐBSCL ảnh 1 Long An tiếp tục trẻ hóa lực lượng. Ảnh: ANH TUẤN
Top 4 trong năm đầu trở lại sân chơi hạng Nhất được xem là thành công của An Giang. Có cú hích tinh thần nhưng đội chủ sân Long Xuyên không dám mơ cao bởi họ đang trong giai đoạn cải tổ lực lượng mạnh mẽ. Nên lãnh đạo đội bóng này vẫn luôn thận trọng trong cách quản trị nhằm tránh vết xe đổ năm xưa.

Long An - lá cờ đầu của ĐBSCL vẫn đau đáu cho giấc mơ tìm lại hình bóng quân vương. Nhưng niềm tin đó vẫn luôn bị đặt trong sự thử thách bởi vấn đề “đầu tiên”. Không mục tiêu, thiếu động lực, chuyện HLV Ngô Quang Sang đi giải bài toán “chảy máu lực lượng” không phải bất ngờ.

Xuôi ngược dòng chảy ra Bắc, giới mộ điệu miền Tây cũng phát thèm khi nhìn Bình Định đầu tư rầm rộ cho mục tiêu thăng hạng. Dù năm trước đội bóng đất Võ còn suýt không được dự hạng Nhất. Hoặc Phố Hiến với những cầu thủ trẻ có thừa nhiệt huyết để chơi sòng phẳng với những “anh cả” của giải đấu. Hay trước đó, Hà Tĩnh đã chọn cách “đi tắt đón đầu” để hoàn thành giấc mơ lên V-League.

Trụ hạng, cái vòng ‘kim cô’ khó gỡ của bóng đá miền ĐBSCL ảnh 2 Nguyễn Trung Đại Dương đã chia tay An Giang để sang thi đấu cho Becamex Bình Dương. Ảnh: MINH HOÀNG
CĐV miền sông nước ĐBSCL ước rằng, đội bóng mà họ yêu cũng được đầu tư bài bản, có chiến lược, mục tiêu để phấn đấu chứ không phải đá để duy trì đội bóng, giữ vững phong trào.   

Long An là thế lực trong thời kim tiềm của bóng đá Việt Nam, những khán đài Cao Lãnh dưới cái nắng chói chang luôn chật người, Cần Thơ được ví như “đại gia” của miền sông nước và An Giang - “chú ngựa ô ngổ ngáo” ở V-League... nhưng tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ.  

Tin cùng chuyên mục