Trận thua 0-5 trước Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (U.A.E) tối 28-10 chưa phải là trận thua nặng nề nhất của đội tuyển Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Khi dò tìm vào tự điển bách khoa điện tử wikipedia, chúng ta sẽ thấy kho tư liệu thống kê trận thua đậm nhất của tuyển Việt Nam là trước tuyển Zimbabwe 0-6 vào ngày 26-2-1997, trong khuôn khổ vòng đấu bảng Dunhill Cup và Oman 0-6 ngày 29-9-2003. Tất nhiên, dù thua 0-5 hay 0-6 cũng đều là thua đậm, nhưng hai cách thua của tuyển Việt Nam trong khoảng thời gian cách nhau từ 4 đến 10 năm lại hoàn toàn khác.
10 năm trước, người viết có mặt trên sân Merdeka, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã chứng kiến một trận thua tan nát, rệu rã của đội tuyển Việt Nam do ông Karl Heinz Weigang dẫn dắt. Vào thời điểm ấy, một nửa thế hệ “cầu thủ vàng” đã qua thời sung sức, thủ lĩnh Lê Huỳnh Đức thì không có mặt do đang “thụ án” treo giò sau sự kiện phản ứng quá mức trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng cầm còi thiên vị trong trận chung kết giải vô địch quốc gia 1996, rồi ông thầy người Đức Weigang cũng không còn thiết tha gì với bóng đá Việt Nam, vì đang bận thương thảo với CLB Perak cho hợp đồng mới v.v... Tỷ số thua đậm dừng lại ở con số 0-6 của tuyển Việt Nam khi ấy một phần là nhờ đối thủ Zimbabwe... không còn muốn “ăn” thêm.
10 năm sau, chúng ta “hành quân” sang Dubai với một nhiệm vụ nặng nề là phải thắng U.A.E ngay trên sân của họ. Tuy nhiên, dù khó đến mấy, chúng ta vẫn có cơ sở để đặt niềm tin chiến thắng, vì đã từng thắng họ 2-0 tại Asian Cup 2007 trên sân nhà, vì chúng ta đã nhận ra sự tiến bộ vượt bậc của mình qua từng ấy năm. Điểm khác nhau giữa hai trận thua đậm trong vòng 10 năm là ở chỗ đó. Rất có thể, thành công khiêm tốn tại Asian Cup 2007 có làm cho bóng đá Việt Nam bay bổng với những ước mơ tuyệt diệu, nhưng khi cần thiết, người ta phải biết tỉnh táo để nhìn rõ mọi việc.
Sự thật trong trận thắng tại Mỹ Đình vài tháng trước của tuyển Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố: U.A.E chủ quan, khinh địch, thiếu thông tin về đối thủ dẫn đến bị bất ngờ, bên cạnh đó Việt Nam tận dụng tốt ưu thế sân bãi và khán giả nhà, tinh thần thi đấu cao, chuẩn bị tốt, nhất là thể lực sung mãn ở trận đầu. Tuy nhiên, càng đi sâu vào giải, biểu đồ phong độ của chúng ta càng giảm dần, mà biểu hiện rõ nét nhất là hai trận đấu cuối trước Nhật Bản và Iraq.
Trong khi đó, U.A.E đã chứng minh thực lực thật sự của mình trong trận thắng Qatar 2-1, cũng là trận đấu “dọn đường” cho Việt Nam vào tứ kết. Rồi họ tiếp tục chứng minh điều ấy với chính đối thủ từng đánh bại họ 2-0 ở Asian Cup trong trận lượt đi vòng sơ loại World Cup 2010 khu vực châu Á ngay tại Mỹ Đình và đè bẹp 5 bàn không gỡ hôm 28-10 vừa qua.
Trong bóng đá, phong độ chỉ là nhất thời, thực lực mới là quan trọng. Khoảng cách về trình độ và thực lực giữa bóng đá Việt Nam và U.A.E vẫn còn rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần sớm quay về hiện tại, củng cố và chuẩn bị cho những cú đột phá mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Linh Giao
Các tin, bài viết khác
-
Wout Van Aert lọt vào top 10 tay đua lương cao nhất thế giới
-
Đà Nẵng thắng trận thứ 2 tại LS V-League 2021
-
Ngoại binh solo qua 6 cầu thủ để ghi bàn, TPHCM thắng trận đầu V-League
-
Tiếp sức cho điền kinh Việt Nam dự SEA Games 31
-
Giải đua xe đạp phong trào TPHCM mừng xuân Tân Sửu 2021: 250 VĐV tham dự
-
UFC 257: Mặt đối mặt - chiêu chiết chiêu - quyền đọ quyền, Poirier đấm gục McGregor
-
Sao Man.United hé lộ thời khắc tin vào cơ hội vô địch
-
Xứng danh công dân trẻ tiêu biểu
-
Gió đổi chiều ở trận derby nước Anh
-
Jurgen Klopp: “Tôi là HLV tốt và đội hình này vẫn xuất sắc”