Nhớ lại mấy tháng trước, các quan chức VFF hồ hởi tuyên bố Việt Nam rộng cửa có mặt ở vòng chung kết bóng đá nữ thế giới 2015 khi FIFA tăng suất dự chung kết từ 16 lên 24 đội và châu Á có 5 suất thay vì 3 suất trước đây. Vài tuần trước, cũng những người này tự tin rằng Việt Nam sẽ có mặt trong trận chung kết AFF cup 2012 bởi… chúng ta đã vô địch giải này từ năm 2008. Kết quả, tuyển nam dự AFF cup với 1 trận hòa 2 trận thua đầy tai tiếng. Chưa nói trước được về bóng đá nữ có tranh được suất dự chung kết hay không, nhưng xem cách nghĩ, cách làm và cách tuyên bố của VFF đến giờ thì ai cũng quá ngán ngẫm.
Ngay sau thất bại của tuyển nam tại AFF cup, lãnh đạo VFF phát biểu rằng do chúng ta chuẩn bị không kỹ dẫn đến hiệu quả thi đấu không như mong muốn. Quả thật, sau khi nghe… hai lần xin lỗi của vị trưởng đoàn, đến phát biểu về quá trình chuẩn bị của đội tuyển như vậy thì người hâm mộ không còn kiềm chế được nữa. Vì sao lại có sự chuẩn bị không kỹ hay cứ thua là tìm một lý do nào đó để gán ghép? Dư luận và người hâm mộ trước đây hết góp ý đến thúc giục VFF trong việc quyết định chọn huấn luyện viên để ít nhất vị nào nắm đội tuyển thì còn có thời gian chuẩn bị.
Vậy mà lần lữa hết tháng này sang tháng khác, VFF vẫn không đưa ra được quyết định nào, và dưới sức ép của dư luận thì trả lời rằng thời gian còn thừa. Cuối cùng vị trí này cũng được trao cho một người với giải pháp dung hòa vừa nắm tuyển nhưng cũng kiêm công việc ở CLB. Bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới không ai làm điều tương tự, chỉ riêng VFF làm được và làm bằng tuyên bố rằng việc kiêm nhiệm chỉ có lợi chứ không có sự bất lợi nào!
Trở lại trước đó thêm một thời gian là tranh luận về việc chọn huấn luyện viên ngoại hay nội. Cuối cùng, không biết có sức ép nào không mà quan điểm “ngoại” trước đó đã bị VFF quay ngoắc sang “nội” với lý do “nội” có quá nhiều người tài, nội là xu thế tất yếu. Lúc đó, người hâm mộ đã thấy được cái tư tưởng “ghen ăn tức ở” lởn vởn đâu đó đã dẫn đến quyết định này, nhưng VFF quyết là luôn kèm theo một lý do… hết sức thuyết phục. Rồi đến phương pháp tuyển chọn cầu thủ, ai cũng thấy có rất nhiều cầu thủ đủ tiêu chuẩn góp sức cùng đội tuyển có thể gặt hái thành công, nhưng cuối cùng, những gương mặt cũ không còn phong độ, vài gương mặt mới thì chưa đủ khả năng làm chuyện lớn. Vậy là, sự thể hiện của đội tuyển tại VFF là câu trả lời quá “hùng hồn” của VFF với người hâm mộ.
Ngay khi Tây Ban Nha bảo vệ thành công ngôi vô địch châu Âu bằng lối đá tiqui-taqua tuyệt mỹ, cũng một quan chức bóng đá hồ hởi lên báo phán rằng lối đá của tuyển Việt Nam… rất giống Tây Ban Nha, và chúng ta có thể thành công như họ! Không phải chờ đến bây giờ mà ngay lúc đó, dư luận đã quá thất vọng và đặt câu hỏi: liệu những người làm bóng đá trong nước giờ đây còn được mấy người… biết và am tường về bóng đá?
Trong thế giới bóng đá ngày nay, nếu chúng ta giậm chân tại chỗ đã là tụt hậu ngày càng xa hơn với các nước. Muốn không tụt hậu, trước tiên phải biết mình biết ta, tức là xác định được ta đang ở đâu để có cơ sở mà phát triển, đồng thời phải có sự học hỏi liên tục. Vậy mà, thói quen “ngủ quên” đã dẫn đến hậu quả ngày nay, chúng ta tụt hậu hơn so với ngay chính bản thân mình thì lấy đâu có sự cạnh tranh mà phát triển. Rốt cuộc chúng ta chỉ đang “phát triển” bằng những tuyên bố trên mây.
Hoàng Dương
Các tin, bài viết khác
-
Man.United tiến gần những tân binh đầu tiên
-
Cảnh sát đột kích nhà các thành viên Bahrain-Victoria trước thềm Tour de France
-
Còn gì tuyệt vời hơn nếu Neymar gia nhập Chelsea!
-
Rời Liverpool, 'Mane sẽ hủy hoại 2 năm tuyệt vời nhất sự nghiệp'
-
Pochettino muốn bồi thường thêm 2 triệu so với đề nghị của PSG
-
Inter Milan sắp đón Lukaku, “đóng băng” Dybala
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Thần đồng điền kinh Thái Lan chạm gần đến ngưỡng của Usain Bolt
-
Giải chạy bộ Đất Mũi Marathon Cà Mau 2022
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022