Tội nghiệp bóng chuyền Việt Nam

Trong vai trò của những nhà định hướng, kiến thiết chiến lược phát triển, nhưng có vẻ như những người quản lý Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) chưa tôn trọng luật lệ, liên tiếp để xảy ra những sự cố, vụ việc khiến giới huấn luyện bức xúc, dư luận thì cám cảnh cho hoạt động phập phù của một tổ chức xã hội nghề nghiệp được đánh giá “chỉ xếp sau VFF về mọi mặt”…

Đội tuyển nữ Việt Nam không được VFV chăm sóc đến nơi đến chốn. Ảnh: MINH HOÀNG
Đội tuyển nữ Việt Nam không được VFV chăm sóc đến nơi đến chốn. Ảnh: MINH HOÀNG

Nghiệp dư từ trong suy nghĩ

Giữa tháng 7, khi VFV bất ngờ tuyên bố bỏ Giải vô địch nữ châu Á 2019 (cũng đồng thời là vòng loại tuyển chọn các đội bóng dự Olympic 2020), đồng thời chấp nhận nộp một khoản tiền phạt cho Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC), nhiều người đã sốc rồi sau đó bày tỏ sự bức xúc trên các trang mạng xã hội, thậm chí hỏi thẳng giới chức VFV để được giải thích cặn kẽ (nhưng tất nhiên là không được).

VFV cho rằng việc AVC lùi lịch thi đấu về giữa tháng 8 (thay vì tháng 9 như dự kiến), khiến đội tuyển trở tay không kịp, sẽ không thi đấu với lực lượng và sự chuẩn bị tốt nhất. Tất nhiên, lý giải này không làm thoả mãn ngay chính giới huấn luyện và cả dư luận, vì ai cũng biết VFV “sợ” ảnh hưởng đến VTV Cup khởi tranh vào đầu tháng 8 và không muốn làm mất lòng Ban tổ chức giải đấu này, nên quyết định bỏ tham dự một giải đấu quan trọng số 1 châu lục để tập trung cho giải đấu mang tính chất giao hữu.

Nhưng VFV không chỉ bỏ ngoài tai những góp ý xây dựng từ nhiều phía, mà còn tiếp tục đưa ra một quyết định khác làm giới chuyên môn và dư luận thất vọng. Tức là chọn giải ASEAN Grand Prix 2019 dành cho các đội bóng Đông Nam Á (thi đấu theo thể thức sân nhà-sân khách ở 4 quốc gia Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam), đẩy lùi lịch tổ chức vòng 2 giải Vô địch quốc gia năm 2019 từ tháng 9 về tận tháng 12, thậm chí nếu được còn… tràn qua hẳn tháng 1-2020 (!?).

Mới nghe thì có thể thấy chuyện này tốt cho đội tuyển, vì thầy trò ông Nguyễn Tuấn Kiệt có thêm cơ hội rèn luyện để tranh đoạt thành tích ở SEA Games 30 diễn ra vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, ở góc nhìn của người làm chuyên môn, đấy là điều rất dở, bởi lẽ không ai (với ngay cả HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt) dám đảm bảo các tuyển thủ sẽ thi đấu hết sức, toàn tâm toàn ý cho SEA Games 30, để rồi trở về CLB với thể trạng rệu rã, không thể cống hiến trọn vẹn cho nơi đang trả lương, thưởng cho mình.

Rất khó cho bóng chuyền nữ giành lại tấm HCB ở SEA Games 30. Ảnh: MINH HOÀNG
Bóng chuyền nữ đã vuột tấm HCB vào tay Indonesia, nhưng trước diễn biến phức tạp hiện nay, đội tuyển đối diện với những khó khăn lớn trong mục tiêu bảo vệ tấm HCĐ chứ chưa nói đến đòi lại HCB, khi cả Indonesia lẫn Philippines đều đang có sự cải tổ mạnh mẽ và chuẩn bị quyết liệt cho đấu trường SEA Games 30.

Đấy là chưa kể, VFV dạo gần đây hay than “khan hiếm” kinh phí, khiến các đội tuyển nam và nữ trong giai đoạn tập huấn ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội rơi vào cảnh thiếu thốn, Ban huấn luyện đội tuyển U23 nữ đấu giải châu Á ngay trên sân nhà còn phải… bỏ tiền túi thuê bác sĩ bên ngoài vào giúp các tuyển thủ hồi phục thể lực trước trận tranh hạng 3 gặp U23 Thái Lan. Cứ thử hỏi chính thầy trò đội tuyển nữ Việt Nam lúc này, họ hào hứng hay đang băn khoăn nghĩ đến cả chặng đường dài bấp bênh phía trước, thì sẽ hiểu rõ mọi chuyện…

KHÔNG MUỐN CẢI TỔ?

Khi mới nhận ghế Tổng thư ký VFV, ông Lê Trí Trường (sinh năm 1975, có học vị tiến sĩ, là trọng tài quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá cao) muốn cải tổ lại tổ chức này theo mô hình chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng được chiến lược phát triển bề vững. Suốt 3 năm qua, ông Trường đã lắng nghe ý kiến từ các CLB, từng bước thay đổi thể thức thi đấu, công tác trọng tài, thay đổi cách vận hành của VFV nhằm giảm bớt rất nhiều hiện tượng tiêu cực trong điều hành thi đấu.

Nhưng kể từ lúc ngồi vào “ghế nóng”, đa số ý tưởng cải cách của ông Trường không thành hiện thực, hoặc không nhận được sự đồng thuận của cấp trên của ông ở VFV, mặc dù các đội bóng và nhà chuyên môn luôn ủng hộ. Những chiến lược mà ông vạch ra như cải tổ hệ thống thi đấu các giải chuyên nghiệp, rút gọn số đội đỉnh cao để nâng chất, cải thiện chất lượng các đội trẻ và đội tuyển quốc gia đến giờ vẫn không được triển khai. Tiếng nói của ông Trường gần như không có trọng lượng khi nội bộ phân hóa sâu sắc và đang bị chi phối bởi một nhóm người kém cả về năng lực lẫn tâm huyết.

Tội nghiệp bóng chuyền Việt Nam ảnh 2 TTK VFV Lê Trí Trường.
Hồi tháng 7 năm ngoái, VFV từng làm dậy sóng làng bóng chuyền với việc ban hành văn bản “trả” ông Lê Trí Trường về Trường Đại học TDTT Bắc Ninh với giải thích tuân thủ tinh thần chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL rằng “Các đơn vị phải dừng việc cử cán bộ biệt phát tại các tổ chức xã hội”, nhưng lại đề xuất đưa Trưởng bộ môn bóng chuyền Việt Nam là ông Đào Xuân Chung (trực thuộc Tổng cục TDTT) vào vị trí Phó Tổng thư ký VFV.

Sau đó, VFV bị phát hiện tự ý ban hành văn bản để ép ông Lê Trí Trường rời vị trí nên không làm khó ông nữa. Khi ấy, một số nhà chuyên môn đã lên tiếng cho rằng nếu VFV “trả” ông Lê Trí Trường về Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, thì cũng phải “trả” cả Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn về đơn vị chủ quản, thì mới được cho là tuân thủ chỉ đạo từ Bộ VH-TT-DL.

PHÚC NGUYỄN


VFV thiếu tôn trọng đồng nghiệp?

Lâu nay, có một thực tế là ông Lê Trí Trường (Tổng thư ký của VFV) bị chính những đồng nghiệp ở VFV cô lập, ít khi được giao nhiệm vụ quan trọng, định hướng hoặc quyết định những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn của các đội tuyển, của hệ thống giải đấu quốc gia, dù trên danh nghĩa ông được bầu để thực hiện những công việc này.

Lý do cũng dễ hiểu, vì ông Trường hay nói thẳng, nói thật nên đụng chạm đến “nhóm lợi ích” tồn tại lâu nay ở VFV, do ông cựu Tổng thư ký nhiệm kỳ trước kiểm soát. Đến ngay cả ông Lê Văn Thành (Chủ tịch VFV nhiệm kỳ 2015-2019) còn thường xuyên bị qua mặt, thì mới thấu hiểu VFV đang thực sự rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, không khác gì tình trạng rối ren ở nhiệm kỳ trước.

Mà không chỉ ông Trường, đến cả vị Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Nguyễn Thành Lâm và nhiều uỷ viên khác trong Ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2019 cũng trở thành… vô hình, thiếu tôn trọng trong chính hoạt động của VFV bấy lâu nay. Thậm chí, nhà quản lý VFV còn sử dụng cấp dưới của ông Lê Trí Trường tham gia điều hành, quyết định nhiều công việc quan trọng, đại diện cho VFV dự các phiên họp của Liên đoàn bóng chuyền châu Á, cũng không ngoài mục đích loại vị TTK khỏi bộ máy VFV một cách từ từ.

Trong cuộc họp gần nhất (diễn ra hôm 21-6) chỉ có ông Chủ tịch Lê Văn Thành, 1 vị Phó chủ tịch không phụ trách chuyên môn và vài nhân viên thuộc văn phòng (Phó chủ tịch chuyên môn và Tổng thư ký chỉ được thông báo và chỉ đạo thực hiện sau khi cuộc họp kết thúc-PV), nhưng VFV lại đi đến những thống nhất mang tính định hướng cho bóng chuyền Việt Nam, tức là quyết định không dự giải Vô địch nữ châu Á 2019 để tập trung cho VTV Cup, rời lịch thi đấu vòng 2 Giải Vô địch quốc gia 2019 vì ASEAN Grand Prix vô thưởng vô phạt, thuê chuyên gia Trung Quốc cho đội tuyển nam (dự kiến từ giữa tháng 8) dù chưa tham khảo ý kiến của các thành viên thuộc ban chuyên môn…

Tin cùng chuyên mục