Toàn cảnh bảng A: Tam Anh đại chiến

Ngoại trừ đại biểu đến từ Trung Đông là Saudi Arabia có vẻ thất thế nhất, 3 “đấng anh hào” còn lại của bảng A là đội tuyển chủ nhà Nga, đại biểu châu Phi Ai Cập và đại biểu Nam Mỹ Uruguay sẽ là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho 2 tấm vé giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp. “Tam Anh đại chiến!”, đó sẽ là một cuộc chiến không hề khoan nhượng.
Aleksandr Golovin là ngôi sao của tuyển Nga
Aleksandr Golovin là ngôi sao của tuyển Nga

Tuyển chủ nhà Nga

HLV trưởng: Stanislav Cherchesov

Thành tích tốt nhất: Hạng 4 ở kỳ giải World Cup 1966 trên đất Anh (thời còn là Liên Xô cũ); chưa bao giờ vượt qua vòng đấu bảng kể từ khi thi đấu dưới màu áo tuyển Nga độc lập

Khoảnh khắc đáng nhớ: Cú “penta-trick” (cú “ăn 5” trong 1 trận đấu) của Oleg Salenko vào lưới Cameroon ở World Cup 1994

Phong độ gần đây:

_Hòa Tây Ban Nha 3-3 (Fyodor Smolov lập cú đúp, Aleksei Miranchuk ghi bàn còn lại)

_Thua Brazil 0-3

_Thua Pháp 1-3 (Smolov ghi bàn danh dự)

_Thua Áo 0-1

_Hòa Thổ Nhĩ Kỳ 1-1 (Aleksandr Samedov ghi bàn thắng duy nhất)

Đội hình chiến thuật: 3-4-2-1, 3-5-1-1 hoặc 4-4-2

Cầu thủ ngôi sao: Aleksandr Golovin (22 tuổi, thuộc biên chế CSKA Moskva).

Có ưu thế sân nhà, khán giả nhà, quen thuộc với điều kiện sân bãi và thời tiết, có cả những ưu thế về “địa chính trị”, Sbornaya được dự báo là nhiều khả năng giành 1/2 tấm vé vào vòng đấu loại trực tiếp dù đang là đội chủ nhà “có thứ hạng thấp nhất trong lịch sử World Cup” (hạng… 70 thế giới.

Tuy vậy, nhược điểm của tuyển Nga là có lối chơi thiếu gắn kết, thủ yếu, công cùn, các cấu thủ ngôi sao không thể hiện được khả năng của mình. Dù Golovin được xem là ngôi sao (nghe đâu, báo giới Nga loan tin, Juventus sẽ cử người “kèm cặp” và đánh giá Golovin trong suốt kỳ World Cup lần này), nhưng trọng trách ghi bàn phá vỡ thế bế tắc sẽ được trao cho tiền đạo Fyodor Smolov (thuộc biên chế Krasnodar) và Aleksandr Samedov (thuộc biên chế Spartak Moskva).

Toàn cảnh bảng A: Tam Anh đại chiến ảnh 1 Fyodor Smolov

Tuyển Uruguay

HLV trưởng: Oscar Tabarez

Thành tích tốt nhất: Vô địch ở các kỳ giải World Cup 1930 và 1950, và xếp Hạng 4 ở các kỳ giải 1954, 1970 và 2010

Khoảnh khắc đáng nhớ: Luis Suarez chơi bóng bằng tay trong vòng cấm địa ở trận tứ kết World Cup 2010 với Ghana, nhận thẻ đỏ trực tiếp rời khỏi sân, nhưng giúp tuyển Uruguay lọt vào bán kết khi Asamoah Gyan thực hiện không thành công quả phạt đền ngay sau đó (trận đấu phải "trôi" đến loạt sút luân lưu 11 mét, nơi tuyển Uruguay giành chiến thắng cuối cùng) và giành Hạng 4 chung cuộc

Phong độ gần đây:

_Hòa Ba Lan 0-0

_Thua Áo 1-2 (Edinson Cavani ghi bàn thắng danh dự)

_Thắng CH Séc 2-0 (Luis Suarez và Cavani ghi bàn)

_Thắng xứ Wales 1-0 (Cavani ghi bàn thắng duy nhất)

_Thắng Uzbekistan 3-0 (Suarez, Giorgian de Arrascaeta và Jose Gimenez ghi bàn)

Đội hình chiến thuật: 4-1-4-1 hoặc 4-4-2

Cầu thủ ngôi sao: Bộ đôi “sát thủ” Luis Suarez và Edinson Cavani

Với bộ đôi “sát thủ” Suarez và Cavani trên hàng công, đại biểu Nam Mỹ sở hữu một hàng tiền đạo đáng ngại nhất, không chỉ gói gọn trong bảng A mà còn của cả kỳ World Cup năm nay. Vượt qua vòng bảng không phải là nhiệm vụ khó khăn của Uruguay. Nhưng Suarez cần phải biết “kềm chế” tâm tính của mình...

Toàn cảnh bảng A: Tam Anh đại chiến ảnh 2 Bộ đôi sát thủ Suarez và Cavani

Tuyển Ai Cập

HLV trưởng: Hector Cuper

Thành tích tốt nhất: Lọt vào vòng đấu bảng, xếp hạng 13 chung cuộc ở kỳ giải World Cup 1934

Khoảnh khắc đáng nhớ: Magdi Abdelghani ghi bàn trên chấm 11 mét vào lưới tuyển Hà Lan ở World Cup 1990, qua đó, trở thành cầu thủ châu Phi đầu tiên ghi bàn ở trên vạch penalty tại 1 kỳ giải World Cup

Phong độ gần đây:

_Thua Bồ Đào Nha 1-2 (Mohamed Salah ghi bàn thắng danh dự)

_Thua Hy Lạp 0-1

_Hòa Kuweit 1-1 (Ayman Ashraf ghi bàn thắng duy nhất cho đội)

_Hòa Colombia 0-0

_Thua Bỉ 0-3

Đội hình chiến thuật: 4-2-3-1

Cầu thủ ngôi sao: Đương nhiên là Mohamed Salah. Ngoài ra, có thể kể đến thủ môn năm nay đã… 45 tuổi Essam El-Hadary, người sẽ trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất tham dự 1 kỳ giải World Cup.

Phòng ngự chặt, chơi an toàn là “bài tủ” quen thuộc của vị HLV người Argentina từng dẫn dắt Valencia, Parma. Do Ai Cập không có nhiều ngôi sao trong đội hình, Cuper sẽ phải trông cậy vào tài năng tấn công của Salah. Tuy nhiên, tình trạng thể lực thật sự của Salah, và phong độ của anh nếu đã thật sự lành chấn thương, vẫn là dấu hỏi lớn dành cho đội bóng “một người” đến từ vùng đất của “thần thánh, xác ướp và… kim tự tháp”.
Toàn cảnh bảng A: Tam Anh đại chiến ảnh 3 Mohamed Salah
Tuyển Saudi Arabia
HLV trưởng: Juan Antonio Pizzi
Thành tích tốt nhất: Lọt đến vòng 16 đội ở kỳ World Cup 1994
Khoảnh khắc đáng nhớ: Cú đi bóng sô lô suốt 70 mét trước khi ghi bàn vào lưới tuyển Bỉ ở kỳ World Cup 1994 của Saeed Al-Owairan
Phong độ gần đây:
_Thắng Algeria 2-0 (Mohamed Al-Faraj và Sulaiman Al-Shehri ghi bàn)
_Thắng Hy Lạp 2-0 (Muhamed Al-Dawsari và Ibrahim Kanno ghi bàn)
_Thua Italia 1-2 (Al-Shehri ghi bàn thắng danh dự)
_Thua Peru 0-3
_Thua Đức 1-2 (Taiseer Al-Jassim ghi bàn thắng danh dự)
Đội hình chiến thuật: 4-1-4-1 hoặc 4-4-2
Cầu thủ ngôi sao: Mohammed Alsahlawi (đã ghi 16 bàn ở vòng loại Khu vực châu Á)
Khó có thể nói nhiều về Saudi Arabia. Dù rằng HLV Pizzi từng giúp tuyển Chile đăng quang Copa America 2016, nhưng Chile là Chile, Saudi Arabia là Saudi Arabia. Với thực lực yếu nhất, đội bóng Trung Đông sẽ là đối tượng lót đường cho cả 3 đấng anh hào còn lại…
Toàn cảnh bảng A: Tam Anh đại chiến ảnh 4 Mohammed Alsahlawi





Tin cùng chuyên mục