
Trên sóng truyền hình VTV, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã “ướm” lương cho thầy nội: VFF sẵn sàng trả 10.000 USD/tháng. Mức lương ấy chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với những gì VFF từng chi cho một ông thầy ngoại…
Cao hay thấp?
HLV Lê Thụy Hải từng gây sốc bằng tuyên bố: “Tôi là HLV có giá nên lương của tôi phải tính bằng USD”. Và lương của ông Hải tính bằng… USD thật, với mức trung bình 5.000 USD/tháng (khoảng trên dưới 100 triệu đồng/tháng) mà Thể Công, Ninh Bình từng bỏ ra để có sự phục vụ của HLV này. Ông Hải muốn nhận lương bằng USD, đơn giản là để khẳng định: tài năng của ông chẳng khác gì HLV ngoại và ông xứng đáng với giá trị ấy!
Bây giờ, mức lương 100 triệu đồng/tháng mà ông Hải từng nhận chẳng còn là con số gây sốc nữa. Không ít HLV nội đã được các CLB V-League trả lương tương đương với con số mà ông Hải từng nhận. Thậm chí, ngoài khoản lương cao ngất ấy, HLV nội còn được “lót tay”, hệt như những vụ chuyển nhượng đình đám mà các cầu thủ nội đã có. Ví dụ HLV Lư Đình Tuấn, so về tuổi nghề lẫn đẳng cấp, còn rất lâu Tuấn “nhím” mới đạt tầm của Lê Thụy Hải, nhưng Cần Thơ từng phải chi gần 700 triệu đồng cho bản hợp đồng 3 năm với HLV người TPHCM này.

Mức lương 10.000 USD/tháng mà VFF đưa ra đối với HLV nội thực ra không quá cao. Ảnh: M.H
Nói thế để thấy, mức lương 10.000 USD/tháng (hơn 200 triệu đồng) mà Chủ tịch VFF ra giá với thầy nội chẳng phải là mức lương quá hấp dẫn. HLV Phan Thanh Hùng - ứng cử viên nặng ký cho ghế HLV trưởng đội Olympic Việt Nam - không được Hà Nội T&T trả lương cao như cái giá mà VFF nêu ra. Nhưng ở Hà Nội T&T, thu nhập của ông Hùng chẳng hề thấp, thậm chí còn cao hơn nhiều so với mức lương mà VFF đã nêu ra. Bởi ngoài khoản cứng, Hà Nội T&T thường có những khoản mềm rất đặc trưng, giúp cho HLV Phan Thanh Hùng có thể toàn tâm toàn ý tập trung cho chuyên môn, thay vì nhấp nhổm với cái ghế của mình.
Mức lương 10.000 USD/tháng mà VFF ra giá thật ra không quá cao, vì nó chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với tổng chi phí mà VFF từng chi cho ông Calisto. Như thế có nghĩa, trong con mắt của VFF, HLV nội vẫn bị xếp “loại 2” so với thầy nội, dù lúc này quan điểm của VFF dành cho HLV bản địa đã được nâng tầm lên rất nhiều.
Thực quyền hay không?
Từ Indonesia, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam A.Riedl trả lời rằng, bóng đá Việt Nam vẫn cần một ông thầy ngoại. Chẳng phải A.Riedl là người nước ngoài hay trình độ của HLV nội không đủ tầm, nhưng vấn đề mà HLV người Áo này nêu ra chính là việc HLV bản địa thường khó tự quyết về vấn đề chuyên môn. Đúng hơn là thầy nội hay bị ảnh hưởng, can thiệp vào công tác chuyên môn chứ không độc lập như một nhà cầm quân ngoại.
Vấn đề mà A.Riedl chỉ ra chính là mấu chốt trong cách nhìn của VFF dành cho người kế nhiệm ông Calisto. Mức lương 10.000 USD/tháng VFF đặt ra thực tế đã là đột phá trong suy nghĩ của tổ chức này dành cho HLV bản địa. Nhưng việc không đặt HLV nội bằng giá với thầy ngoại rõ ràng cho thấy những khoảng cách mà ngay từ bây giờ, khi VFF đang lưỡng lự trước những chọn lựa, VFF đã có những phân biệt nhất định.
Nếu HLV nội chấp nhận cầm quân, VFF có trao cho thực quyền? Giá của thầy nội bây giờ đã được VFF định giá cao hơn, dẫu rằng do những tế nhị và cái quan điểm nội không thể lương cao bằng ngoại, VFF không thể làm thêm cuộc đột phá mới. Cái đáng sợ nhất trong trường hợp sử dụng thầy nội chính là cách hành xử, tạo điều kiện của VFF dành cho HLV nội có thể rất khác so với khi họ tạo môi trường làm việc cho thầy ngoại.
Đó mới là mấu chốt của vấn đề, và nếu thế câu chuyện chọn ngoại hay nội còn lại bài toán hóc búa, chưa thể giải quyết thấu đáo ngay bây giờ.
Thanh Chi
>> Chọn HLV tuyển quốc gia: Lại chuyện nội - ngoại