Trên phương diện được các nhà sản xuất đồ thể thao tìm tới ký hợp đồng tài trợ, tay vợt Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) vẫn có được giá trị đáng kể...
Tiến Minh đã ngoài 34 tuổi và bước vào độ chững của chuyên môn. Năm ngoái, tay vợt người TPHCM nhận được gói tài trợ ký 1 năm trị giá 1 tỷ đồng từ nhà sản xuất đồ thể thao Nhật Bản là Mizuno. Tính tới tháng 3 này, gói tài trợ đã vào thời hạn khép lại. Hiện, các bên bắt đầu xúc tiến tìm tiếng nói chung liệu đồng hành tiếp tục hay không.
Đại diện hãng Mizuno tại Việt Nam – ông Tống Đức Thuận đã cho biết: “Chúng tôi và VĐV Tiến Minh đang làm việc. Nếu hai bên thỏa thuận được các điều khoản phù hợp thì việc tái ký tài trợ sẽ diễn ra. Còn khi VĐV tìm được đơn vị khác đưa ra tài trợ cao hơn khả năng mình đáp ứng được, chúng tôi đành tìm người mới”. Theo tìm hiểu, Tiến Minh đang được một số nhãn hàng muốn hợp tác. Tất cả vẫn chỉ là trên xem xét bàn thảo.

Tiến Minh vẫn là VĐV có được nguồn tài trợ lớn nhất. Ảnh: T.L
Trước đây, Tiến Minh có giai đoạn được các nhãn hiệu Yonex, Victor, Kawasaki tài trợ. Trong 4 năm Victor hợp tác với Tiến Minh, mỗi năm gói tài trợ cho VĐV gần 25000 USD kèm cả thi đấu nước ngoài. Kawasaki lúc đạt được thỏa thuận với Tiến Minh thì có sự đồng hành hậu hĩnh không kém. Năm ngoái, ngoài Mizuno, lẽ ra Tiến Minh đã có thêm một nhà tài trợ tới từ Malaysia nhưng phút cuối chữ ký không diễn ra. Chỉ qua các con số đã thấy, Tiến Minh với lợi thế về chuyên môn nên luôn được các nhà sản xuất đồ thể thao tìm tới tài trợ riêng trong 10 năm qua. Như vậy, thu nhập của VĐV đúng là không nhỏ.
Giai đoạn hiện tại, nhiều tay vợt như Thu Huyền (Hà Nội), Thùy Linh (Đà Nẵng), Vũ Thị Trang (Bắc Giang) cũng vào lúc hết thời hạn được tài trợ cá nhân và họ bắt đầu tìm kiếm một sự đồng hành mới. Vũ Thị Trang đã được Lining (Trung Quốc) tài trợ nhưng bây giờ được một thương hiệu của Nhật Bản đang tiếp cận. Thùy Linh trước đây được Astec (Indonesia) tài trợ nhưng mới đây từng đánh tiếng tới Yonex (Nhật Bản). Chắc chắn một điều, VĐV cầu lông Việt Nam chưa ai có thể được nhà tài trợ tin tưởng ký vài trăm triệu đồng hoặc tiền tỷ như Tiến Minh. Năm nay, nếu Tiến Minh tiếp tục có được một nhà tài trợ mới hoặc hợp đồng triển hạn từ người cũ thì tay vợt này vẫn đứng đầu trong việc gia tăng nguồn thu riêng
VĐV của golf và quần vợt là những người được nhiều tài trợ. Dù thế, ít khi VĐV của môn này tại Việt Nam lên tiếng hoặc thương hiệu sản xuất đồ thể thao nào đó tổ chức ký tài trợ rầm rộ. Lý Hoàng Nam và Nguyễn Hoàng Thiên là các tay vợt có được một số hợp đồng tài trợ. Tuy nhiên, họ không bao giờ tiết lộ bên ngoài. Thực tế được tài trợ như thế nào hay phải tự bỏ tiền túi ra mua vật dụng trang bị cho bản thân, chỉ VĐV biết được. Đại diện thương hiệu Yonex ở Việt Nam từng cho biết hãng này có tài trợ vợt cho Nguyễn Hoàng Thiên nhưng đó là ký kết của công ty mẹ tại Nhật Bản với riêng VĐV chứ không qua đơn vị tại Việt Nam.
Do đó, mọi người vẫn chỉ đoán định gói tài trợ ở mức tương đối và được cho là vẫn ít hơn Nguyễn Tiến Minh. VĐV golf là những người kín tiếng nhất trong việc được tài trợ như thế nào. Tuy nhiên, các golf thủ nổi tiếng (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư) hoặc người trẻ triển vọng tại Việt Nam luôn được một số thương hiệu tiếp cận ký tài trợ. Đơn giản có thể chỉ là tài trợ quần, áo, nón hay giầy thi đấu. Một bộ đồ (từ trang phục, giầy tới bộ gậy) dành cho golf thủ có thể lên mức trăm triệu đồng. Cũng như, đồ thể thao golf là đồ đặc thù nên chi phí khá tốn kém. Đơn cử, VĐV Thảo My là tay golf nữ nổi bật thời gian gần đây và hiện tại cô có nhà tài trợ trang phục.
NGUYỄN ĐÌNH